Liên minh châu Âu (EU) vừa tăng mục tiêu về năng lượng tái tạo đến năm 2030 vì chi phí đầu tư của loại năng lượng này đã giảm mạnh trong thời gian qua.
Mục tiêu mới
Vừa qua, đại diện của Nghị viện và Hội đồng châu Âu (các nước thành viên EU) đã nhất trí sửa đổi Chỉ thị về sử dụng hiệu quả năng lượng, nâng mục tiêu năng lượng tái tạo lên 32% từ nay đến năm 2030 và vào năm 2023, mục tiêu này sẽ được xem xét, điều chỉnh tiếp tục tăng lên. Mục tiêu được thiết lập vào năm 2016 là 27% năng lượng tái tạo cho năm 2030 đã không còn phù hợp với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Cần phải hiểu rằng, con số 32% là tính tổng các hình thức tiêu thụ năng lượng (bao gồm nhiên liệu dùng cho xe hơi và sưởi ấm) không chỉ có tiêu thụ điện. Ví dụ, ở Pháp, sản lượng điện chỉ chiếm 22% tổng năng lượng tiêu thụ, trong khi đó khí và dầu là 64%.
Mục tiêu mới của châu Âu khả thi hơn những gì đã đề ra trong kế hoạch hiệu quả năng lượng: Tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo đi kèm với giảm tiêu thụ năng lượng. Thật không may, trên thực tế, Chỉ thị về sử dụng hiệu quả năng lượng của châu Âu, dự đoán rằng từ năm 2021 đến năm 2030, tiêu thụ năng lượng sẽ giảm 0,8%/năm, lại không bắt buộc các nước thành viên EU phải thực hiện. Những quyết định đơn giản như giảm trọng lượng ôtô, giảm khí thải của máy bay và tàu thủy hoặc bắt buộc xây dựng các công trình nhà ở thụ động (nhà ở thụ động liên quan đến tiêu chuẩn gắt gao nhằm giảm thiểu tác động sinh thái của công trình lên môi trường nhờ sử dụng năng lượng cực thấp để giữ ấm hoặc làm mát không gian bên trong), cũng không được thực hiện.
Khả năng cạnh tranh lớn
Mục tiêu năng lượng tái tạo của châu Âu tăng cao nhờ vào giá thành sản xuất điện mặt trời và gió giảm mạnh. Giá của những tấm pin mặt trời đã giảm tới 5 lần từ năm 2010, chi phí của 1 kWh điện gió đã giảm 40% từ năm 2010.
Theo Kaiserwetter, chuyên gia người Đức về quản lý tài sản năng lượng tái tạo, vào năm 2017, tại tất cả các nước G20, giá 1MWh từ 49-174USD nếu sản xuất từ năng lượng hóa thạch, trong khi đó, giá điện sản xuất từ năng lượng tái tạo chỉ 25-54USD. Dựa trên dự án xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân ở Hinkey Point (Anh), Kaiserwetter nhắc tới chi phí sản xuất từ năng lượng hạt nhân. Một lò hạt nhân mới tạo ra điện với giá 92 bảng (129 USD)/MWh (số liệu của năm 2012 được điều chỉnh dựa theo lạm phát, trong khi giá điện tái tạo chỉ giảm).
Sự giảm chi phí trong sản xuất điện mặt trời, điện gió và trong công nghệ cân bằng mạng lưới điện, đã làm đảo lộn hoàn toàn mô hình kinh tế của ngành điện. Kết quả là vào năm 2017, chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo, không tính thủy điện, lên đến 279 tỉ USD (hơn một nửa là đầu tư cho năng lượng mặt trời). Trong khi đó, chi phí đầu tư của các nhà máy điện mới chạy bằng khí và than là 103 tỉ USD. Đầu tư cho các lò phản ứng hạt nhân mới là 42 tỉ USD và 45 tỉ USD cho việc xây dựng các con đập lớn. Tới năm 2050, năng lượng tái tạo sẽ được đầu tư 115.000 tỉ USD (trong đó 2/3 đầu tư vào năng lượng gió và mặt trời), 1.500 tỉ USD cho các loại năng lượng có carbon thấp, đó là thủy điện và hạt nhân.
Nói một cách đơn giản hơn, năng lượng tái tạo đã có thể cạnh tranh với năng lượng hóa thạch, năng lượng hạt nhân. Năng lượng tái tạo sản xuất ra nguồn điện rẻ hơn 2-4 lần so với điện hạt nhân. Đồng thời, công nghệ năng lượng tái tạo mở ra nhiều cơ hội kinh tế và tạo việc làm. Vào năm 2017, chỉ tính riêng những tấm pin mặt trời đã có thể sản xuất ra sản lượng điện nhiều hơn từ than đá, khí đốt và hạt nhân cộng lại.
Pháp có thể phát triển mạnh năng lượng tái tạo và song song với đó giảm năng lượng hạt nhân mà không phải từ bỏ việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than. Phải đợi đến cuối năm 2018 mới biết được Pháp sẽ áp dụng những mục tiêu của châu Âu vào Chương trình quốc gia về năng lượng dài hạn (PPE). Chương trình này chú trọng cân bằng giữa năng lượng tái tạo và hạt nhân trong 10 năm tới. Phe ủng hộ năng lượng hạt nhân biện hộ rằng, sự sụt giảm nhanh chóng của năng lượng hạt nhân trong hỗn hợp năng lượng của Pháp sẽ đi cùng với sự gia tăng của khí thải vì sẽ làm tăng sản lượng điện sản xuất từ năng lượng hóa thạch.
Một nghiên cứu của Energy Union Choices và Ủy ban Năng lượng châu Âu hợp tác với ban lãnh đạo Bền bững Cambridge mang tên “Sạch hơn, thông minh hơn, tiết kiệm chi phí: nắm bắt cơ hội với hệ thống điện châu Âu trong chuyển đổi năng lượng” chỉ ra rằng, Pháp có thể phát triển năng lượng mặt trời và gió nhanh chóng, đạt 90GW vào năm 2030, giảm năng lượng hạt nhân xuống 1/3 (-20GW) mà không phải từ bỏ ý định đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than. Điều này có thể giúp giảm mạnh khí thải CO2 trong lĩnh vực điện. Vào năm 2030, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản lượng điện của Pháp có thể đạt 51% trong khi vẫn có thể xuất khẩu sản lượng điện như hiện nay.
Theo: PetroTimes