Thế nhưng, điều đó đối với tỉnh Bình Dương thì ngược lại. Rác thải sinh hoạt tại tỉnh Bình Dương đã trở thành một nguồn nguyên liệu tốt để chế biến thành phân bón, thành gạch và đặc biệt là rác thành điện năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
Ủ rác thu khí biogas từ bãi rác để phát điện.
Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương (Biwase) cho rằng, chôn lấp phải không gây hại cho người khác, không lãng phí tài nguyên môi trường. Công ty nghĩ ra cách ủ, không phải chôn, đồng thời giữ phát tán mùi rác, cũng như côn trùng bên trên nên cần phải che đậy lại bãi rác. Quá trình ủ rác như vậy rất tốn kém nên cần có cách thu hồi khí mêtan trong khu ủ đó để phát điện. Đây chính là lý do đã thôi thúc ông Thiền quyết tâm phải làm cho được dự án điện từ rác.
Công nhân kiểm tra hệ thống dẫn khí từ bãi rác chuyển về cho máy phát chạy. Ảnh minh họa
Khác với những địa phương có khu xử lý rác, phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương vào những ngày mưa dầm giữa tháng 7 năm nay, đi đến đâu cũng không nghe lời phàn nàn về mùi hôi của rác. Đến Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương mới thấy được tâm huyết hết mình của những người làm nghề vệ sinh môi trường.
Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương bắt đầu được triển khai từ tháng 11/2004. Sau bao nhiêu năm vất vả miệt mài, đến nay Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương đã hoàn thành 2 giai đoạn với khối lượng mỗi ngày tiếp nhận 1.200 tấn rác sinh hoạt, 400 tấn rác công nghiệp, 200 tấn rác công nghiệp nguy hại và 3 tấn rác y tế. Thời gian tới khi Khu Liên hợp hoàn thiện đầy đủ theo quy hoạch thì có khả năng tiếp nhận và xử lý mỗi ngày khoảng 3.000 tấn rác sinh hoạt và hơn 1.000 tấn rác công nghiệp các loại.
Với nguồn vốn đầu tư có tổng giá trị tương đương 30,5 triệu USD và giá trị đất 100 ha cho cả 2 giai đoạn thực hiện dự án, Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương đã hoàn thành các hạng mục công nghệ tái chế, xử lý rác khá hiện đại.
Khu liên hợp đó gồm: nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân compost với công suất 840 tấn/ngày; lò đốt rác công nghiệp và công nghiệp nguy hại với công suất 320 tấn/ngày; lò đốt rác y tế công suất 3 tấn/ngày; hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 1.000 m3/ngày; xử lý nước thải công nghiệp 50m3/ngày; phát điện hơn 2.000 kW; tái chế tro, bùn thải sản xuất gạch tự chèn công suất 2.000 m2/ngày; tái chế bùn thải cấp nước công suất 100 tấn/ngày để sản xuất gạch xây dựng; các lò sấy bùn thải công nghiệp với công suất 100 tấn/ngày.
Tổ máy phát điện nhờ khí biogas từ bãi rác thải. Ảnh minh họa
Đặc biệt, trong Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương nhờ áp dụng công nghệ tiến tiến của Phần Lan, khí biogas từ bãi rác đã được tận dụng dẫn qua hệ thống ống sau đó qua lò đốt làm cho máy phát điện chạy với công suất phát 2.000 kW, cung cấp gần 50% điện cho khu xử lý chất thải.
Ông Ngô Chí Thắng, Phó Giám đốc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương chia sẻ, khí biogas phát sinh trong bể ủ được thu bằng 20 giếng khoan có đường kính 200 mm, độ sâu 20m. Các giếng này được kết nối với trạm bơm thông qua các ống dẫn, trên đường dẫn khí có những điểm để tách hơi nước lẫn trong biogas. Tại trạm bơm, khí biogas được làm mát và giám sát các chỉ tiêu CH4, H2S, CO2, O2. Sau đó, khí được dẫn qua hai bộ lọc khí để lọc bỏ khí tạp, khí sau khi lọc được đưa vào máy phát điện để vận hành máy. Hệ thống có lắp đạt một thiết bị đốt khí dư để xử lý khí biogas dư, không thải trực tiếp ra môi trường.
Theo ông Ngô Chí Thắng, quá trình thi công có thuận lợi là Công ty Biwase có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện các dự án ODA. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương rất quan tâm và giám sát thường xuyên. Nhà thầu chính (công ty Doranova – Phần Lan) có năng lực và kết hợp tốt với chủ đầu tư để triển khai dự án.
Tuy nhiên, đây là công nghệ mới ở Việt Nam, Công ty phải kết hợp với nhà thầu chính để đào tạo đội ngũ cán bộ làm chủ công nghệ. Một số vật tư chuyên dụng (như dầu bôi trơn cho động cơ chạy khí biogas) không có bán ở Việt Nam, phải nhập từ châu Âu.
Ông Ngô Chí Thắng cho rằng, Công ty Biwase hiện đã làm chủ công nghệ và hoàn toàn có thể thực hiện dự án phát điện tương tự. Còn về hiệu quả bước đầu cho thấy, qua hơn 6 tháng (từ tháng 1 đến tháng 7/2018) đưa vào sử dụng điện từ rác đã mang lại những kết quả thấy rõ. Đó là đã tiết kiệm chi phí điện năng khoảng 600 triệu đồng/tháng, rác phân hủy trong các bể ủ nhanh hơn.
Các chuyên gia trong về lĩnh vực môi trường đánh giá sản xuất điện từ rác tại khu Liên hợp xử lý chất thải ở Bình Dương là điểm sáng trên cả nước trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, rác công nghiệp một cách bài bản, quy mô và hiện đại.
Theo các chuyên gia về môi trường, hiện nay các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ chôn lấp rác trực tiếp là 62,4%, tỷ lệ rác được xử lý tập trung tại các cơ sở của cả nước là 28,9%, khu vực các tỉnh tỉnh Đông Nam bộ là 37,6%. Phần lớn các khu xử lý đều chiếm diện tích đất lớn và có ảnh hưởng lớn tới môi trường vùng xung quanh.
Hiện nay, toàn quốc có 161 cơ sở đốt; trong đó có 22 cơ sở đốt công suất trên 100 tấn/ngày. Hầu hết các cơ sở đốt không có kế hoạch thu hồi năng lượng. Trong khi, kế hoạch thu hồi năng lượng từ nay đến năm 2020 của các cơ sở đốt là 2% cơ sở có thu hồi năng lượng để phát điện và 2% cấp nhiệt cho mục đích khác.
Do đó, “Hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương không chỉ góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm cho riêng ở tỉnh Bình Dương – một tỉnh phát triển công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn hình thành công nghệ xử lý, tái chế rác hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên và tạo ra nhiều sản phẩm có ích cho xã hội”, ông Nguyễn Văn Thiền khẳng định.
Theo: Báo Tin tức