Một nhà máy năng lượng tại Đức dùng vôi sống để tạo nhiệt sưởi ấm và được kỳ vọng là chìa khóa mở cánh cửa tương lai không nhiên liệu hóa thạch.
Nhà máy sử dụng vôi sống tạo nhiệt ở Berlin, Đức. Ảnh: AP
Công ty năng lượng Đức Vattenfall kết hợp cùng đối tác Thụy Điển SaltX đã thử nghiệm sử dụng vôi sống để tích trữ nhiệt dùng cho sưởi ấm các căn nhà.
Hai công ty này dựa vào phản ứng hóa học đơn giản xảy ra khi calcium oxide (hay còn gọi là vôi sống) gặp nước. Vôi sống gặp nước sẽ trở thành calcium hydroxide và tỏa ra lượng lớn nhiệt trong quá trình này. Khi loại bỏ nước, hợp chất này lại trở thành calcium oxide.
Dự án thử nghiệm này tại Berlin đã cung cấp đủ năng lượng sưởi ấm cho 100 ngôi nhà cỡ lớn. SaltX khẳng định có thể tăng quy mô và cung cấp nhiệt cho các tòa nhà kết nối với hệ thống sưởi của Berlin. Hệ thống gồm các ống bơm nước nóng hoặc hơi nước từ nhà máy năng lượng tới các gia đình này cũng được sử dụng tại ở nhiều quốc gia châu Âu, Canada, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Các chuyên gia đánh giá với những dự án như của Vattenfall thì về mặt lý thuyết sẽ không cần tới nhiên liệu hóa thạch hoặc khí gas.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết nếu hoạt động trơn tru, hệ thống này có thể góp phần giải quyết vấn đề mà nguồn năng lượng sạch như gió và Mặt Trời đang phải đối mặt: nguồn năng lượng không ổn định, đôi khi quá nhiều hoặc quá ít.
Công ty điện của Đức E.ON gần đây ước tính rằng năng lượng gió và Mặt Trời tạo ra tới 52 gigawatt giờ trong thời điểm nhiều ánh nắng nhất vào ngày 22/4. Lượng tiêu thụ điện của Đức ở thời điểm đó là 49,5 gigawatt giờ.
Chính phủ Đức từng đặt thời hạn đến năm 2022 đóng cửa mọi nhà máy năng lượng hạt nhân tại quốc gia này và đến năm 2038 ngừng đốt than để sản xuất điện.
Nhiều nước khác cũng đang theo dõi sát sao tình hình tại Đức để học hỏi cách giảm khí thải nhà kính và đáp ứng thỏa thuận khí hậu Paris giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.