Trong năm 2019, sẽ tuyển hơn 1.000 sinh viên để đào tạo thí điểm 22 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Đức. Chương trình có nhiều ưu điểm, tạo ra cơ hội sau tốt nghiệp cho người học.
Nhiều điểm cộng cho chương trình đào tạo 22 nghề chất lượng cao
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho hay, trong đợt tuyển sinh và tổ chức đào tạo thí điểm 22 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo các bộ chương trình chuyển giao từ Đức, sẽ tuyển 1.056 em. Số lượng này được tổ chức thành 66 lớp, tại 45 trường đào tạo 22 nghề.
Đây là hoạt động triển khai chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước theo Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012-2015.
Đồng thời, chương trình nhằm thực hiện Kế hoạch và Quy định để tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế đã được Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt.
Các nghề đào tạo gồm có: Bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, Chế biến và bảo quản thuỷ sản, Chế tạo thiết bị cơ khí, Công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Điều khiển tàu biển, Gia công và thiết kế sản phẩm mộc, Hàn, Khai thác máy tàu thủy, Kỹ thuật chế biến món ăn, Lắp đặt thiết bị cơ khí, Quản trị khách sạn, Quản trị lễ tân, Vận hành máy thi công nền, Thiết kế thời trang, Vận hành thiết bị chế biến dầu khí, Điện tàu thủy, Kỹ thuật xây dựng, Vận hành máy thi công mặt đường.
Chương trình đào tạo trình độ cao đẳng của 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế đã được Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt. Mỗi nghề được thiết kế gồm hai phần: các môn học chung theo quy định của Việt Nam và phần chuyên môn là bộ chương trình được chuyển giao từ Đức.
Thời gian khóa học kéo dài từ 3 đến 3,5 năm, tùy theo từng nghề.
Địa bàn tuyển sinh cả nước, hoặc một số tỉnh/thành phố theo vùng tuyển sinh của trường được lựa chọn đào tạo thí điểm qua xét tuyển hoặc thi tuyển.
Nhận hai bằng khi tốt nghiệp
Hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên có kết quả đầu ra đạt yêu cầu được cấp hai bằng. Cụ thể là bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam và bằng tốt nghiệp của Đức, tương đương với trình độ Bậc 4 theo Khung trình độ quốc gia Đức.
Sinh viên dự tuyển cần bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo quy định chung đối với người tham gia học nghề trình độ cao đẳng. Người dự tuyển cần tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hoặc tương đương, có hạnh kiểm từ khá trở lên, ưu tiên lựa chọn những học sinh có kết quả học tập của năm lớp 12 trung học phổ thông có kết quả học tập từ khá trở lên. Cũng ưƯu tiên những sinh viên có trình độ ngoại ngữ, sinh viên thuộc diện chính sách.
Ngôn ngữ giảng dạy chương trình bằng tiếng Việt. Trong quá trình học chuyên môn nghề sinh viên học ngoại ngữ (tiếng Đức hoặc tiếng Anh) để đến khi kết thúc khóa phải đạt được trình độ tối thiểu B1 theo khung tham chiếu trình độ ngoại ngữ chung châu Âu (CEFR) hoặc tương đương.
Trong quá trình đào tạo, bên cạnh chương trình quốc tế được chuyển giao từ Đức, các em được học với các giáo viên đạt chuẩn của Đức. Các chuyên gia nước bạn tham gia đào tạo. Cơ hội thực hành trên hệ thống máy móc hiện đại, đạt chuẩn rất nhiều. Sinh viên cũng được doanh nghiệp ký kết phối hợp đào tạo để có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, sinh viên tốt nghiệp loại khá, có chứng chỉ tiếng Đức B1 có thể sang nước bạn làm việc.
Giảng viên TDC được tập huấn nghiệp vụ sư phạm tại CHLB Đức
Các giảng viên tham quan thực nghiệm tại phòng thí nghiệm điện cao áp tại đại học kỹ thuật Brandenburg
Theo Xuân Đức
NDĐT