Tương lai rộng mở với ngành Công nghệ điện tử – Truyền thông

Ngành Công nghệ Điện tử, truyền thông hiện nay hấp dẫn nhiều học sinh bởi luôn tiếp cận với công nghệ tiên tiến và cơ hội nghề nghiệp rộng mở.
1

Ngành học mang lại cơ hội làm việc hấp dẫn

Chia sẻ về ngành học này, giảng viên Trịnh Thị Hà – Trường ĐH Thành Đô – cho biết: Ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử – Truyền thông (trước đây còn gọi là ngành Điện tử – Viễn thông) bao gồm 2 lĩnh vực chính là lĩnh vực Điện tử và lĩnh vực Viễn thông.

Đây là ngành sử dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để tạo nên các thiết bị như máy tính, vệ tinh, điện thoại, máy thu hình… nhằm xây dựng hệ thống mạng thông tin liên lạc trên toàn cầu, giúp cho việc trao đổi thông tin giữa con người với nhau diễn ra thuận lợi trong những điều kiện không gian và thời gian khác nhau.

Sinh viên học ngành Công nghệ Điện tử – Truyền thông được đào tạo kiến thức chuyên môn về lĩnh vực điện tử và viễn thông, được tiếp cận với công nghệ tiên tiến như mạng không dây; mạng truyền số liệu; vi ba số; hệ thống phát thanh truyền hình; công nghệ phân tích và xử lý tín hiệu, âm thanh, hình ảnh, các công nghệ vi xử lý, vi điều khiển…

Từ đó, sinh viên có khả năng tiếp cận, nắm bắt các công nghệ kỹ thuật điện tử tiên tiến và hoạt động của mạng truyền thông hiện đại; đồng thời có khả năng thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành, sử dụng, bảo trì các thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông.

Hơn thế nữa, sinh viên có thể tự xây dựng hệ thống IoT (Internet of Things).  IoT thực chất là một hệ thống gồm nhiều thiết bị được kết nối với nhau qua mạng Internet, người dùng có thể kiểm soát mọi đồ vật của mình qua mạng mà chỉ bằng một thiết bị thông minh như PC, smartphone, tablet…

Với chương trình đào tạo tiên tiến, sinh viên tốt nghiệp kỹ sư ngành Công nghệ Điện tử – Truyền thông có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau. Tuy nhiên, theo xu hướng hiện nay thì có những ứng dụng cụ thể ở các lĩnh vực như sau:

Sở, Ban, Ngành về viễn thông; công ty sản xuất, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện tử; các nhà cung cấp dịch vụ internet; công ty viễn thông truyền số liệu; công ty điện thoại di động; các công ty truyền tin qua hệ thống vệ tinh; các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông; công ty tư vấn giải pháp và kinh doanh các dịch vụ Điện tử Viễn thông, lĩnh vực truyền thanh – truyền hình;

Lĩnh vực hàng không; trong các xí nghiệp công nghiệp, công trường xây dựng và khai thác, công ty sản xuất chế biến…; các công ty lắp ráp (xe máy, ôtô, các thiết bị điện tử v.v), bệnh viện… Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp ngành Điện tử – Viễn Thông có thể làm việc tại các cơ sở sản suất liên doanh với nước ngoài, tham gia các chương trình xuất khẩu lao động sang các nước phát triển và đang phát triển cũng như làm công tác kỹ thuật trong các nhà máy, xí nghiệp. Hơn nữa, sinh viên có thể phát triển bản thân để trở thành người tư vấn, quản lý dự án nghiên cứu và phát triển.

Theo  GD&TĐ