Các chuyên gia kỹ thuật đã tìm ra cách sản sinh tia điện tương đối mạnh mẽ từ những hạt mưa rơi.
Nước mưa cũng có thể trở thành một nguồn cấp điện hiệu quả. Ảnh: Cesare Fel/EyeEm/Getty Images.
Đó là thành tựu của một nhóm nghiên cứu tại Đại học Thành thị Hongkong (The City University of Hongkong). Thiết bị mang tên DEG (droplet-based electricity generator) hay máy phát điện nhỏ giọt), hoạt động dựa trên nguyên lý: mỗi hạt mưa có thể tạo ra lượng điện 140 volt trong thời gian ngắn.
Con số trên tưởng chừng nhỏ song thực ra cũng đủ để thắp sáng khoảng 100 bóng đèn bulb. Mặc dù chưa thể khả thi cho mục đích sử dụng thường nhật, nhưng công nghệ này thực sự là một bước tiến hứa hẹn cho viễn cảnh về một dạng điện năng tái tạo mới.
Thành phần quan trọng nhất trên DEG là một cấu trúc dạng bóng bán dẫn hiệu ứng trường (field-effect transistor-style), có khả năng biến một lượng mưa rơi thành những đợt phóng điện ngắn hạn. Ngoài ra, loại vật liệu được dùng làm thiết bị cũng chứa một điện tích gần như liên tục. Vai trò của nước mưa, vì thế đơn giản chỉ là để kích thích hiệu ứng phóng điện. Cơ chế này đã được mô tả rất chi tiết trong bài báo công bố tuần trước trên Nature.
Vấn đề còn lại là cần tìm cách biến công nghệ thành những ứng dụng hữu ích đối với cuộc sống sinh hoạt của con người. Hiện tại, nó vẫn chưa đủ tin cậy để có thể được dùng làm nguồn cấp điện liên tục, do bất tiện vì cần phải sạc đầy thiết bị từ trước.
Tuy nhiên, một khi những trở ngại trên được khắc phục, DEG hoàn toàn có thể đóng vai trò như một nguồn cấp điện nhỏ, tạm thời trên các bình đựng nước, dù che mưa, hay nhiều vật dụng tiêu thụ ít điện năng khác.