Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: chủ đề Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020 “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức” rất phù hợp với giai đoạn Việt Nam hiện nay. Bởi năng lượng có vị trí đặc biệt quan trọng, tác động không nhỏ đến quá trình bền vững và phát triển toàn cầu.
Hiện ngành năng lượng Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho năng lượng sản xuất kinh doanh, đời sống, đóng góp an ninh quốc phòng. Nhu cầu năng lượng sơ cấp trong 10 năm qua, năm 2007 – 2017, tăng trưởng 14,6%, riêng sản lượng điện thực phẩm tăng trưởng bình quân 9,5%. Dự báo trong giai đoạn 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng 8,5 – 9,5%. Với nhu cầu điện thương phẩm như trên, dự kiến công suất điện 13.000 – 14.000 MW; đến nay, mới có 6.000 MW/năm. Từ nay năm 2030, mỗi năm cần công suất suất 5.000 – 7.000 MW/năm.
“Đây là nhiệm vụ thách thức đặc biệt trong bối cảnh Quy hoạch điện VII được điều chỉnh. Mặc dù Quy hoạch này được điều chỉnh từ năm 2016 nhưng trước nhu cầu bảo vệ môi trường, đã phải trì hoãn hoặc không được xây dựng hoặc chậm tiến độ. Trong bối cảnh đó, đáp ứng nhu cầu năng lượng, thoài gian qua, Chính phủ và Bộ Công Thương có điều chỉnh cần thiết như đẩy mạnh nhanh hơn dạng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió. Với sự tham mưu của Bộ Công Thương, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy mạnh hơn năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, gió”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.
Tuy nhiên khi phát triển mạnh năng lượng tái tạo cũng phải đối mặt thách thức lớn. Bản chất của năng lượng sạch là dạng năng lượng không có sự ổn định, khó vận hành hơn so với năng lượng truyền thống. Điều này đặt ra thách thức, làm sao phát triển nhanh và mạnh, trong khi đó phải đảm bảo sự an toàn, tin cậy của hệ thống điện.
Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020 với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch: Xu thế và thách thức”
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năng lượng tái tạo hiện nay còn phát triển nóng và tập trung ở một số địa phương nên đã ảnh hưởng lớn đến việc giải tỏa công suất cũng như việc điều độ, vận hành hệ thống điện. Đặc biệt, hiện nay, chúng ta đang thiếu hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái. Đây là vấn đề cần được quan tâm vì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống điện trung, hạ áp trong thời gian sắp tới. “EVN đang phối hợp với GIZ nghiên cứu thiết lập một hệ thống kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái và trình Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt ban hành”, ông Võ Quang Lâm chia sẻ.
Theo ông Lâm, EVN đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện website solar.evn.vn để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu và tiếp cận với mọi thông tin liên quan về điện mặt trời áp mái trên các ứng dụng công nghệ thông tin cũng như các website chăm sóc khách hàng ngành điện.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, để đảm bảo an ninh năng lượng cần đa dạng hóa các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối. Bên cạnh đó, cần có các chính sách khuyến khích nghiên cứu phát triển nhập khẩu các thiết bị công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng và tiến tới loại bỏ công nghệ lạc hậu, có hiệu suất thấp. Đồng thời, chúng ta phải tiến tới làm chủ trong sản xuất, vận hành các nhà máy, các thiết bị đồng bộ cho lĩnh vực năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các bộ, ngành, doanh nghiệp để triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ như Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng (mã số KC.05/15-20); chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai (mã số KC,08/16-20). Với những chương trình cấp Nhà nước như trên, chúng ta sẽ triển khai nghiên cứu các nội hàm trong việc phát triển bền vững năng lượng điện quốc gia.
Kết luận tại diễn đàn, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, những đề xuất, kiến nghị được nêu tại diễn đàn cũng là những vấn đề sẽ được Bộ Công Thương nghiên cứu và sớm đề xuất, tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách tháo gỡ các “điểm nghẽn” để phát triển ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo vừa đáp ứng yêu cầu kinh tế – xã hội vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Vấn đề phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung của khu vực và thế giới. Theo đó, thị trường năng lượng tái tạo Việt Nam đang là mảnh đất tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong bối cảnh diễn ra mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu các chuỗi sản xuất cung ứng trên thế giới sau đại dịch Covid-19.
“Để đảm bảo chuyển dịch năng lượng công bằng, hài hòa lợi ích của các bên, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương cần tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin, giải pháp, bài học kinh nghiệm trong nước cũng như quốc tế và hợp tác cùng hành động tháo gỡ khó khăn, hóa giải điểm nghẽn cho phát triển”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Cẩm Hạnh