Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học Đại học Đà Nẵng” năm học 2019-2020 vừa trao giải nhất cho đề tài “Thiết kế, chế tạo bộ làm mát cho tấm pin năng lượng mặt trời nhằm nâng cao hiệu suất chuyển đổi điện quang của tấm pin” của 2 sinh viên (SV) khoa Điện, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa – ĐH Đà Nẵng.
Đề tài “Thiết kế, chế tạo bộ làm mát cho tấm pin năng lượng mặt trời nhằm nâng cao hiệu suất chuyển đổi điện quang của tấm pin” giúp nâng cao hiệu suất, vệ sinh pin năng lượng mặt trời. Ảnh: L.P
Bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo từ tháng 6-2019, Võ Quốc Huy, Ngô Hồng Thịnh hướng tới các giải pháp làm mát tấm pin năng lượng mặt trời, tăng hiệu suất sản phẩm. Dựa vào thế mạnh của từng người, hai bạn đã phân công nhiệm vụ mô phỏng, lựa chọn thuật toán, mô hình, ứng dụng mạch điện phù hợp với thời tiết, khí hậu Việt Nam. Ngoài ra, các SV còn tham gia trực tiếp vào quá trình lắp ráp, vệ sinh pin năng lượng mặt trời để nắm rõ các nguyên lý vận hành.
Thịnh cho biết, một trong những phần chính của việc nghiên cứu là tìm ra nguyên liệu phù hợp với mục tiêu: hiệu quả, bền, rẻ, đẹp. Trong đó, đầu tiên là lựa chọn loại keo dán không bị rỉ nước, khi vận hành vừa khít với toàn bộ hệ thống. “Tụi mình dán vào, gỡ ra trên 10 lần mới tìm được loại keo phù hợp. Mỗi lần dán – gỡ mất vài tiếng đồng hồ. Ngoài ra, việc lắp các mạch điện cũng không dễ dàng, rất nhiều lần tụi mình bị cháy mạch vì sai một chi tiết nhỏ”, Thịnh cho biết.
Hơn 6 tháng miệt mài, bộ làm mát mặt dưới tấm pin hoàn thành, hai SV tiếp tục nghiên cứu bộ làm mát mặt trên tấm pin để có cơ sở so sánh, đối chiếu hiệu quả sử dụng. “Giai đoạn nghiên cứu này tụi mình làm nhanh hơn, mất chừng một tháng và hiệu quả bộ làm mát bên trên mặt pin cao hơn bộ làm mát bên dưới”, Võ Quốc Huy chia sẻ.
Kết quả đề tài nghiên cứu của nhóm SV Huy, Thịnh cho thấy khi năng lượng tấm pin lên trên 50 độ C thì hệ thống bắt đầu kích hoạt bơm nước mát vào bể 1, qua đường ống dẫn đến tấm pin, thực hiện trao đổi nhiệt làm giảm nhiệt độ. Nước sau khi hoàn thành nhiệm vụ làm mát tấm pin sẽ di chuyển về bể 2, giải nhiệt và chuyển về bể 1 để tiếp tục chu kỳ làm mát khác. Việc làm mát này giúp tăng hiệu suất và tuổi thọ pin năng lượng mặt trời, đồng thời dòng nước chảy liên tục sẽ giúp vệ sinh bụi bẩn bám trên bề mặt tấm pin.
Đề tài mang tính ứng dụng cao, hiệu quả, phù hợp với xu thế sử dụng điện năng lượng mặt trời của người dân hiện nay đã giúp nghiên cứu của Huy, Thịnh đoạt giải nhất tại cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học ĐH Đà Nẵng” năm học 2019-2020. TS. Lê Hồng Lâm, người trực tiếp hướng dẫn đề tài cho nhóm SV chia sẻ, trong quá trình giảng dạy, nhà trường luôn hướng SV tìm tòi, nghiên cứu các đề tài mang tính ứng dụng cao, cần thiết cho việc cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả sử dụng sản phẩm, từ đó nâng cao khả năng “hiện thực hóa” đề tài. Cũng theo TS. Lê Hồng Lâm, thời gian tới ông sẽ tiếp tục đồng hành với nhóm SV nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, kết hợp các bộ phận trong dòng pin năng lượng mặt trời như kết hợp các bộ bắt điểm công suất cực đại, bộ điều hướng và bộ làm mát…
Được biết, mỗi năm có khoảng 30 đề tài nghiên cứu khoa học của SV ngành điện thuộc ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp khoa. Thông qua phần tuyển chọn, các đề tài có tính hiệu quả, ứng dụng cao sẽ được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để dự thi cấp trường, cấp ĐH Đà Nẵng, qua đó khuyến khích SV tham gia phong trào nghiên cứu ứng dụng, tự đưa ra các tình huống khó và giải quyết nó. Đây cũng chính là hướng đi mà các trường thành viên ĐH Đà Nẵng đang áp dụng để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo cơ hội tốt để các em trải nghiệm và trưởng thành ngay từ ghế nhà trường.