Năng lượng tái tạo giảm phát thải carbon gấp 7 lần năng lượng hạt nhân

Sau khi phân tích dữ liệu 25 năm sản xuất điện và lượng khí thải carbon từ 123 quốc gia, các nhà nghiên cứu ở Anh đã thấy rằng năng lượng tái tạo hiệu quả hơn đáng kể so với năng lượng hạt nhân trong việc giảm phát thải carbon từ sản xuất năng lượng.

Năng lượng tái tạo giảm phát thải carbon gấp 7 lần năng lượng hạt nhân.
Một nghiên cứu được dẫn dắt bởi các nhà khoa học Đại học Sussex (UoS) ở Anh đã phát hiện ra rằng năng lượng tái tạo có hiệu quả giảm phát thải carbon gấp 7 lần so với năng lượng hạt nhân. Nghiên cứu kết luận rằng hạt nhân không thể tiếp tục được coi là một công nghệ năng lượng carbon thấp hiệu quả nữa. Họ gợi ý rằng nếu các quốc gia muốn giảm phát thải năng lượng một cách nhanh chóng và hiệu quả về chi phí thì nên ưu tiên năng lượng tái tạo.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Energy, xem xét ba giả thuyết: Thứ nhất, lượng khí thải giảm xuống nhiều hơn ở quốc gia áp dụng hạt nhân; Thứ hai, lượng khí thải đó càng giảm khi một quốc gia sử dụng năng lượng tái tạo; Thứ ba, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo là những lựa chọn “loại trừ lẫn nhau”.
Các giả thuyết được thử nghiệm dựa trên dữ liệu sản xuất điện và phát thải trong 25 năm từ 123 quốc gia.
Nghiên cứu của UoS cho thấy có rất ít mối tương quan giữa sản xuất điện hạt nhân với bình quân lượng khí thải CO2 trên đầu người nhưng có thấy mối liên hệ với GDP bình quân đầu người ở các quốc gia được nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu cho biết các quốc gia có mức GDP bình quân đầu người cao đã giảm lượng khí thải dù tăng sử dụng năng lượng hạt nhân, nhưng các khu vực có mức GDP thấp hơn thì lại ghi nhận lượng khí thải CO2 tăng lên khi sử dụng hạt nhân.
Đối với năng lượng tái tạo, các dữ liệu cho thấy sự giảm phát thải carbon liên quan đến công nghệ “trong tất cả các khung thời gian và mẫu quốc gia”, không có mối liên hệ đáng kể nào với mức GDP bình quân đầu người.
Nhóm các nhà khoa học UoS lưu ý rằng chính sách của các quốc gia thường có xu hướng ủng hộ một trong 2 lựa chọn, điều đó có nghĩa là nếu trọng tâm phát triển hạt nhân thì sẽ làm giảm việc triển khai năng lượng tái tạo và ngược lại.
Andy Stirling, giáo sư về chính sách khoa học và công nghệ tại UoS, cho biết: “Những phát hiện của chúng tôi không chỉ cho thấy rằng các khoản đầu tư năng lượng hạt nhân trên khắp thế giới, xét về mặt cân bằng, có xu hướng kém hiệu quả hơn so với các khoản đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm phát thải carbon, trong khi đó căng thẳng giữa hai chiến lược này có thể làm giảm hiệu quả của việc ngăn chặn sự biến đổi khí hậu”.
Các tác giả của nghiên cứu thừa nhận báo cáo của họ hiện chỉ xem xét việc phát thải carbon và cho rằng các nghiên cứu trong tương lai nên xem xét thêm các yếu tố như chi phí kinh tế; quy hoạch tài nguyên; độ tin cậy; các tác động của vòng đời nguyên liệu; hồ sơ rủi ro; quản lý chất thải; các tác động đến sinh thái, chính trị và an ninh.
Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo cho biết, ngay cả khi không xem xét các yếu tố khác, chỉ riêng dữ liệu phát thải carbon đã đủ để khuyến nghị các quốc gia đang hy vọng cắt giảm phát thải khí nhà kính nên tập trung vào năng lượng tái tạo hơn là hạt nhân.
“Bằng chứng rõ ràng chỉ ra rằng hạt nhân kém hiệu quả hơn trong hai chiến lược giảm phát thải carbon” – Benjamin K Sovacool, giáo sư về chính sách năng lượng tại UoS, cho biết – “Các quốc gia có kế hoạch đầu tư quy mô lớn vào điện hạt nhân mới đang có nguy cơ triệt tiêu các lợi ích khí hậu lớn hơn từ các khoản đầu tư năng lượng tái tạo thay thế”.
Theo: Năng lượng New