Các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) từ gió, mặt trời, sinh khối… đang kỳ vọng sẽ đáp ứng nguồn cung điện đang thiếu hụt và dần thay thế được nguồn nhiệt điện, thủy điện. Việc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiệt điện, nhất là thủy điện nhỏ đang tác động tiêu cực đến môi trường.
Điện gió tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: CAO THĂNG
Theo báo cáo cập nhật của Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, nhu cầu điện của cả hệ thống trong 2 năm tới là 15.400MW. Trong khi đó năm 2021, chỉ có khoảng 3.600MW công suất của 3 nhà máy nhiệt điện than được đưa vào hoạt động là Duyên Hải 2 BOT, Sông Hậu 1, Hải Dương BOT và đến năm 2022 có thêm các dự án nhiệt điện than Thái Bình 2, Nghi Sơn 2 BOT.
Như vậy, đến hết năm 2022, Việt Nam chỉ bổ sung được thêm 6.000MW từ các nguồn điện truyền thống, thiếu trên 8.000MW công suất. Đến năm 2023, nguồn điện truyền thống chỉ có thêm 1 tổ máy của nhiệt điện than Vân Phong 1 BOT (660MW) và nhiệt điện khí Nhơn Trạch 3 (880MW). Tổng cộng năm 2023 có thêm 1.540MW, còn thiếu trên 6.000MW nguồn điện. Từ năm 2024-2025, theo kế hoạch sẽ có khá nhiều nguồn điện truyền thống được bổ sung, nhưng những rủi ro về chậm tiến độ vẫn còn hiển hiện. Do đó, thách thức đặt ra là liệu có thể phát triển mạnh các nguồn NLTT với trên 8.000MW trong 2 năm tới?
Trả lời vấn đề này, nhiều chuyên gia trong ngành khẳng định: nguồn NLTT có thể đáp ứng 8.000MW trong vòng 2 năm tới. Bởi trên thực tế, chỉ trong 2 năm trở lại đây, từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ giá cho NLTT thì các nguồn NLTT đã phát triển nhanh chóng, bổ sung hàng ngàn MW cho hệ thống điện quốc gia.
Thông tin mới nhất từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đã có 113 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất trên 5.700MW cơ bản được giải tỏa hết công suất, được đưa vào vận hành trong năm 2020. Đây là con số kỷ lục về số nhà máy mới đóng điện trong một khoảng thời gian ngắn. Toàn hệ thống điện đã huy động 5,41 tỷ kWh từ NLTT, trong đó điện mặt trời đạt 4,71 tỷ kWh, tăng gấp 5,35 lần so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, nếu trừ đi 1.000MW nguồn NLTT tính đến hết năm 2019, thì năm 2020 cả nước có thêm 4.700MW. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, nguồn NLTT có thể bổ sung vào hệ thống trên 10.000MW.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân lẫn người dân liên tục đầu tư vào hệ thống điện mặt trời ở các mái công xưởng, nông trại và nhà phố. Tương tự, về điện gió, hiện nay đã có 16 dự án đang vận hành với tổng công suất 642,6MW; 13 dự án đang xây dựng và dự kiến đưa vào vận hành năm 2021, tổng công suất 901MW. Việc phát triển nhanh chóng của nguồn NLTT đã buộc Bộ Công thương khẩn trương bổ sung vào quy hoạch ngành điện. Tính đến cuối tháng 8-2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000MW, trong đó, điện mặt trời khoảng 11.200MW; điện gió khoảng 11.800MW.
Tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam 2020 diễn ra hồi trung tuần tháng 6-2020, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng (hiện đang là Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam – PV) cho biết, bộ sẽ xây dựng cơ chế có cạnh tranh, công khai minh bạch để thu hút nhà đầu tư tiềm năng vào xây dựng các dự án NLTT.
Hiện nay, Bộ Công thương đã và đang hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, xét đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhìn vào các kịch bản trong Quy hoạch điện VIII so với các con số công suất nguồn trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) ở năm 2030, công suất nhiệt điện than giảm đi trên 16,4GW (giảm 30%); thủy điện còn 25%; công suất điện khí tăng thêm gần 7,8GW (tăng 42%); đặc biệt, công suất điện gió tăng thêm 13GW (gấp 3 lần) và điện mặt trời tăng thêm 6,2GW (gấp 1,7 lần).
Đây được đánh giá là những tín hiệu đáng mừng cho một tổ hợp cơ cấu nguồn điện sạch hơn, giảm đáng kể khí phát thải gây ô nhiễm môi trường. “Nhìn vào quy mô và cơ cấu nguồn điện trong kịch bản đề xuất, có thể thấy, việc phát triển nguồn điện đã đi đúng theo định hướng của ngành năng lượng trong Nghị quyết 55 của Đảng, các chính sách của Chính phủ và cam kết quốc gia với quốc tế về giảm ô nhiễm môi trường”, đại diện Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đánh giá.
Trước đó, sau khi cân đối nguồn cung dài hạn, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh có dự án thủy điện và các cơ quan liên quan không xem xét đề xuất bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện có quy mô công suất nhỏ hơn 10MW trên địa bàn. Đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng thì tạm dừng, chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá tổng thể.
Hiện Bộ Công thương vẫn đang tiếp tục thực hiện rà soát các dự án thủy điện đã có trong quy hoạch trên địa bàn do tỉnh quản lý, đánh giá trên mọi mặt như việc tuân thủ pháp luật, bảo đảm về môi trường, xã hội… để hoàn chỉnh trong Quy hoạch điện VIII. Đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương, một số chuyên gia trong ngành cho rằng, việc xem xét ngừng xây dựng thêm thủy điện là cần thiết.
Bởi hồ chứa nước, chuyển nước của thủy điện có ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sống của người dân. Chưa kể, tác động của việc điều tiết lũ, hồ chứa dễ gây ra lở đất, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, việc đầu tư vào NLTT đang hiệu quả hơn nhờ chi phí thấp, ít tác động đến môi trường, xã hội.