Thiết kế turbine có cánh mới sẽ giúp quần đảo Faroe sản xuất tất cả điện từ nguồn tái tạo vào năm 2030.
Turbine rồng biển bơi theo dòng hải lưu. Ảnh: Minesto
Công ty kỹ thuật Minesto ở Thụy Điển phát triển một loạt turbine thủy triều có biệt danh “rồng biển” với hình dáng giống máy bay chìm dưới nước. Minesto đang vận hành hai turbine có cánh ở vùng biển thuộc quần đảo Faroe phía bắc Đại Tây Dương. Những turbine này sản xuất điện từ dòng hải lưu.
Turbine thủy triều được neo vào đáy biển bằng dây cáp kim loại dài 40 m. Với sải cánh 5 m, mỗi turbine có thể lượn dưới nước theo cấu hình số 8, sản xuất đủ điện để cung cấp cho 4 – 5 hộ gia đình.
Nguyên tắc hoạt động của mẫu turbine trên rất giống turbine hoạt động nhờ sức gió do công ty Kitekraft phát triển. Turbine có cánh của Minesto sản sinh động lượng và điện thông qua lực nâng từ dòng nước. Trong khi đó, thiết kế của Kitekraft có lợi thế là thu hồi được trong bão mạnh hoặc gió lớn để ngăn hỏng hóc. Hệ thống của cả hai công ty đều được triển khai theo cụm, mỗi cỗ máy neo cách xa nhau nhằm tránh xa chạm.
Turbine thủy triều của Minesto sử dụng máy tính tích hợp để di chuyển về phía dòng hải lưu chiếm ưu thế, cho hiệu quả cao hết mức có thể. Điện được truyền qua dây cáp nối tới một dây cáp dưới biển khác nối với trạm điều khiển gần thị trấn Vestmanna ở ven bờ.
Hai turbine đang sử dụng của Minesto góp phần cung cấp điện cho quần đảo Faroe trong thử nghiệm hồi năm ngoái. Hiện nay, công ty đang phát triển mẫu turbine có sải cánh 12 m, có thể sản xuất 1,2 megawatt điện. Một cụm turbine dưới nước đủ cấp điện cho 1/2 số hộ gia đình trên đảo Faroe (25.000 hộ). Dự án sẽ góp phần giúp quần đảo đạt mục tiêu sản xuất tất cả điện từ nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030.