Công nghệ sấy bằng năng lượng mặt trời do thạc sĩ Phan Văn Hiệp, Đại học Văn Hiến phát triển, giúp tăng giá trị từ lông gia cầm.
Hệ thống sấy năng lượng mặt trời lắp đặt tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: NVCC
Công nghệ được ông Hiệp giới thiệu trong hội thảo “Tái chế lông gia cầm” do Trung tâm thông tin thống kê, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức sáng 22/6.
Ông Hiệp cho biết, lông gia cầm bình thường sẽ không có giá trị, thậm chí các doanh nghiệp chế biến còn phải mất chi phí cho việc xử lý. Từ thực tế này, năm 2017 ông đã nghiên cứu và phát triển công nghệ nhà sấy năng lượng mặt trời có thể tái chế lông gia cầm, công suất 1,5 tấn/ngày. Sau khi sấy, lông gia cầm có thể bán với giá 3.000 đồng/kg hoặc tiếp tục nghiền nhỏ thành bột, làm thức ăn chăn nuôi với giá cao hơn, khoảng 10.000 – 17.000 đồng mỗi kg.
Theo ông Hiệp, công nghệ do ông phát triển sử dụng nguyên lý “bẫy nhiệt mặt trời” giúp duy trì nhiệt độ ổn định cho buồng sấy, rút ngắn thời gian sấy, đảm bảo không khí sạch và độ ẩm thấp trong nhà sấy. Vật liệu làm nhà sấy sử dụng tấm polycarbonate đặc ruột, trong suốt, cho ánh sáng xuyên thấu 95% giúp tăng nhiệt độ lên từ 10 – 30 độ C so với môi trường.
Hệ thống dùng công nghệ sấy động với hệ trục đứng xoay tròn trên các vỉ sấy giúp sản phẩm đồng đều hơn. Nhà sấy cũng thiết kế đèn cực tím dải C (UVC) để oxy hóa không khí, tạo ra ozone giúp diệt khuẩn, sản phẩm sấy không còn mùi hôi. Sử dụng năng lượng mặt trời nên hệ thống sấy tốn ít điện năng, khoảng 5kWh mỗi giờ nên chi phí sản xuất thấp.
Theo ông Hiệp, so với phương pháp phơi nắng thủ công, công nghệ sấy cho năng suất cao hơn hàng nghìn lần, không gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí mặt bằng, lao động… Ngoài sấy lông gia cầm, hệ thống có thể sấy các loại thủy sản, trái cây, dược liệu…
Là chủ một vựa gà ở huyện Long Khánh, Đồng Nai, ông Phan Đăng Chánh cho biết, hàng ngày tổ chức giết mổ 1.000 – 3.000 con, số lượng lông thải ra rất lớn. Ông Chánh ký hợp đồng với một đơn vị thu gom rác thải với chi phí 500.000 đồng mỗi ngày.
Ông đánh giá mô hình sấy năng lượng mặt trời phù hợp cho nhu cầu trước mắt của vựa gà vì chi phí phù hợp (500 triệu đồng, năng suất 1,5 tấn một ngày). Cứ 1,5 tấn lông ướt, sấy thu được 500 kg, sau một năm có thể hoàn vốn đầu tư. “Các vựa chế biến gà ở khu vực chúng tôi cần liên kết với nhau để có nguồn nguyên liệu dồi dào hơn, giúp tăng lợi nhuận”, ông Chánh nói.
Ngoài tái chế bằng công nghệ sấy, tại sự kiện đại diện các nhà khoa học, doanh nghiệp giới thiệu công nghệ làm phân bón hữu cơ từ lông gia cầm bằng việc sử dụng vi sinh vật, chế biến bột từ lông gia cầm làm thức ăn chăn nuôi…
Sự kiện được tổ chức trong chuỗi “Kết nối công nghệ” do Trung tâm thông tin thống kê, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức từ năm 2020, định kỳ hàng tháng, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hoạt động nhằm kết nối cung cầu công nghệ theo yêu cầu của doanh nghiệp nhằm chuyển giao công nghệ trong mọi lĩnh vực.