Công nghệ xanh là gì?
Công nghệ xanh là loại công nghệ thân thiện với môi trường, trong quá trình vận hành và sản xuất không tạo ra chất thải ô nhiễm hoặc tạo ra một lượng khí thải rất thấp, không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Ngoài ra, công nghệ xanh còn đề cập đến việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế cho nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt và gây ô nhiễm môi trường.
Việc sử dụng công nghệ xanh trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống hiện nay, nhìn chung đều nhằm mục đích bảo tồn thiên thiên và giảm thiểu những tác động tiêu cực của con người đến môi trường. Bên cạnh đó, công nghệ xanh mang đến những lợi ích lớn như:
- Giúp tiết kiệm năng lượng
- Giảm thiểu lượng khí thải carbon
- Nâng cao chất lượng sản phẩm
- Giảm chi phí kinh doanh, sản xuất.
Các loại công nghệ xanh
Được coi là một hình thức xử lý môi trường, công nghệ xanh bao gồm những loại sau:
Năng lượng thay thế
Nguồn năng lượng thay thế như năng lượng mặt trời, năng lượng gió là một giải pháp thay thế hiệu quả cho các nguồn năng lượng hóa thạch. Rất nhiều các quốc gia trên thế giới đã khai thác và sử dụng 2 nguồn năng lượng này. Đây là nguồn năng lượng dồi dào, miễn phí giúp các quốc gia đảm bảo nguồn an ninh năng lượng, đồng thời giảm thiểu lượng khí thải carbon, góp phần bảo vệ môi trường và chống lại quá trình biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng.
Công nghệ xe điện
Các phương tiện giao thông vận tải là một trong những yếu tố có tác động lớn đến môi trường. Ở Việt Nam hiện nay, hầu hết các phương tiện giao thông đều sử dụng các nhiên liệu đốt như xăng, dầu để hoạt động. Điều này sinh ra một lượng khí thải lớn làm ảnh hưởng đến môi trường.
Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ các phương tiện vận tải, công nghệ xe điện đã ra đời và phát triển ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, công nghệ này đòi hỏi rất nhiều cải tiến liên quan đến các lĩnh vực khác, chẳng hạn như pin sạc dung lượng cao, các hệ thống trạm sạc… Vì vậy, không phải quốc gia nào cũng có thể ứng dụng và phát triển nhanh chóng loại công nghệ xanh này.
Công nghệ trong nông nghiệp
Các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt trong nông nghiệp cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Có thể kể đến những tác hại của thuốc trừ sâu, phân bón và chất thải động vật. Do đó, các công nghệ xanh đã được áp dụng trong nông nghiệp để giảm thiệt hại cho đất, nước và môi trường sinh thái như kỹ thuật canh tác hữu cơ, đổi mới trong thức ăn gia súc…
Công nghệ tái chế
Công nghệ tái chế giúp bảo tồn các nguồn tài nguyên khan hiếm bằng cách tái sử dụng các vật liệu hoặc tìm kiếm các vật liệu thay thế phổ biến hơn. Tại Việt Nam, các hình thức tái chế quen thuộc nhất hiện nay có thể thấy như tái chế các chất thải nhựa, thủy tinh, giấy và kim loại. Bên cạnh đó là các công nghệ tái chế phức tạp hơn như thu hồi các nguyên liệu thô đắt tiền từ chất thải điện tử hoặc phụ tùng ô tô để tái chế và sử dụng.
Công nghệ thu hồi carbon
Đây là một nhóm các công nghệ thử nghiệm nhằm loại bỏ và cô lập các khí nhà kính. Công nghệ này đã được các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch thúc đẩy mạnh mẽ nhưng vẫn chưa đạt được như mong đợi. Các cơ sở thu giữ carbon lớn nhất mới chỉ hấp thụ được khoảng 4.000 tấn CO2 mỗi năm, con số này là rất nhỏ so với lượng khí thải hàng năm.
Ứng dụng của công nghệ xanh trong đời sống
Công nghệ xanh ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Không chỉ có tác động tích cực đến môi trường, các ứng dụng của công nghệ xanh còn mang đến những giải pháp thông minh và hiệu quả cho nhiều lĩnh vực, có thể kể đến như:
Ngành năng lượng: Sử dụng các công nghệ xanh như năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch (xăng, dầu, than đá…) giúp đảm bảo nguồn cung năng lượng cho thế hệ tương lai.
Ngành xây dựng: Sử dụng các vật liệu xây dựng tái chế để giảm chất thải xây dựng…
Ngành giao thông vận tải: Sử dụng công nghệ xanh giúp tối ưu hóa hệ thống giao thông công cộng, giảm ùn tắc (như hệ thống xe điện công cộng), đồng thời giúp giảm lượng khí thải từ các phương tiện cá nhân.
Ngành quản lý nước: Các thiết bị và hệ thống thông minh có thể tiết kiệm nước tiêu thụ trong các hộ gia đình và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn có khả năng theo dõi và quản lý nguồn nước đối với những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước, mất nước.
Ngành quản lý chất thải: Công nghệ xanh giúp phân loại chất thải và tối ưu hóa quá trình tái chế, giúp làm giảm lượng chất thải phải đem đi chôn lấp.
Ngành nông nghiệp: Sử dụng công nghệ xanh để tối ưu hóa sản phẩm sản xuất nông nghiệp, đồng thời làm giảm lượng phân bón và hóa chất sử dụng.