Hiện nay nhóm ngành Kỹ thuật nói chung và ngành Kỹ thuật điện tử – Truyền thông nói riêng là một trong những ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực và dần dần khẳng định được vị thế hàng đầu của mình trong đời sống kinh tế xã hội. Nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này ở các nước phát triển và nước đang phát triển là rất cao và sẽ khó bị đào thải vì đây là ngành đầu cuối tạo ra sự tăng trưởng của đất nước. Mặt khác, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo, truyền thông và việc ứng dụng rộng rãi của điện tử, ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông đang nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhất là những bạn trẻ đam mê kỹ thuật và yêu thích lĩnh vực điện tử, truyền thông. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu “Ngành Kỹ thuật điện tử – truyền thông là gì? Ra trường làm gì?”. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thông tin cơ bản về ngành Kỹ thuật điện tử – truyền thông.
Ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông là gì?
Hiểu một cách đơn giản thì ngành Kỹ thuật điện tử – truyền thông (hay là ngành Điện tử Viễn thông) là ngành sử dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để tạo nên các thiết bị vệ tinh, cáp và thiết bị điện tử như: máy thu hình, điện thoại, máy tính cá nhân, máy tính bảng,… nhằm xây dựng hệ thống mạng thông tin liên lạc trên toàn cầu, giúp cho việc trao đổi thông tin giữa con người với nhau diễn ra thuận lợi trong những điều kiện không gian và thời gian khác nhau.
Theo học ngành Kỹ thuật điện tử – truyền thông, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức chuyên môn về lĩnh vực điện tử, truyền thông và có khả năng tiếp cận với công nghệ kỹ thuật điện tử tiên tiến như mạng không dây; mạng truyền số liệu; vi ba số; hệ thống phát thanh truyền hình; công nghệ phân tích và xử lý tín hiệu, âm thanh, hình ảnh. Sinh viên có khả năng tiếp cận, nắm bắt các công nghệ kỹ thuật điện tử tiên tiến và hoạt động của mạng truyền thông hiện đại; đồng thời có khả năng thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành, sử dụng, bảo trì các thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông.
Các môn học chuyên ngành tiêu biểu và đặc trưng của ngành Kỹ thuật điện tử – truyền thông mà sinh viên được tiếp cận như: Truyền dẫn số, xử lý âm thanh và hình ảnh, cơ sở kỹ thuật thông tin vô tuyến, cơ sở kỹ thuật mạng truyền thông, kỹ thuật phát thanh và truyền hình…
Sinh viên ngành Điện tử dự thi và đạt giải tại thành phố năm học 2013-2014
Học ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông ra trường làm gì?
Theo thống kê, nhóm ngành Cơ khí – Điện – Điện tử – Truyền thông là 1 trong 10 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao, đều đặn qua các năm và trong tương lai. Trong đó số lượng việc làm dành cho các kỹ sư Kỹ thuật điện tử – truyền thông sau khi tốt nghiệp ra trường đang ngày càng phong phú cùng với mức thu nhập cao và ổn định tại các vị trí quan trọng như:
- Kỹ thuật viên tư vấn, thiết kế, vận hành, điều hành kỹ thuật tại các đài phát thanh, đài truyền hình, công ty tư vấn thiết kế mạng viễn thông, công ty thiết kế sản xuất vi mạch, công ty sản xuất các thiết bị điện tử viễn thông;
- Kỹ thuật viên thiết kế, quy hoạch mạng và tối ưu mạng tại các công ty viễn thông;
- Kỹ thuật viên thiết kế truyền dẫn, vận hành, bảo trì tại các công ty điện tử, viễn thông, công ty sản xuất phần mềm thế giới di động…;
- Có thể đảm nhận vai trò Kỹ thuật viên, Trưởng bộ phận kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, truyền thông;
Để đảm nhận tốt công việc của một Kỹ thuật viên điện tử – truyền thông, bên cạnh chương trình lý thuyết, việc tạo điều kiện cho sinh viên thực hành, thực tập là một trong những yếu tố được các trường đào tạo ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông uy tín đặc biệt chú trọng. Chẳng hạn, tại Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TDC) đã chuẩn bị chu đáo cho tương lai của sinh viên ngành Kỹ thuật điện tử – truyền thông bằng cách hợp tác với các tập đoàn, công ty lớn để sinh viên được thực hành tại các trung tâm thí nghiệm hiện đại; thực tập trong các tập đoàn viễn thông, điện tử lớn như: Viettel, CMC, VNPT, Panasonic, Intel, đài phát thanh, đài truyền hình,… Hằng năm, TDC thường xuyên tổ chức cho sinh viên đi tham quan để tiếp cận môi trường làm việc thực tế, áp dụng các kiến thức đã thu thập được vào công việc thực của một công ty, doanh nghiệp, học hỏi, rèn luyện phong cách làm việc và ứng xử trong các mối quan hệ công tác tại một cơ quan. Ngoài kiến thức chuyên ngành và kiến thức ứng dụng thực tế, sinh viên ngành Kỹ thuật điện tử, truyền thông của TDC còn được chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm, kỹ năng Tiếng Anh và tham gia sinh hoạt tại các CLB Điện tử ứng dụng, CLB Sáng tạo kỹ thuật,… để phát triển thêm kỹ năng chuyên môn.
Từ những thông tin vừa cung cấp, chắc hẳn các bạn đã có thể trả lời cho mình câu hỏi: “Ngành Kỹ thuật điện tử – truyền thông là gì? Ra trường làm gì?”. Tuy nhiên ngành Kỹ thuật điện tử – truyền thông xét tuyển tổ hợp môn nào, điểm số bao nhiêu, nên học ngành này ở trường nào cho phù hợp với năng lực là những câu hỏi bạn phải tiếp tục trả lời cho chính mình nếu thực sự muốn trở thành một kỹ sư Kỹ thuật điện tử – truyền thông giỏi và thành công trong tương lai.
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp người học có thể học liên thông lên Đại học. tại những trường đại học đào tạo ngành Kỹ thuật điện tử – truyền thông có uy tín như trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH),… Hay có khả năng tự học và tìm hiểu trong môi trường công tác để nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu của xã hội và phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.