Chương trình điện mặt trời trên mái nhà đang trong giai đoạn đánh giá tiềm năng kỹ thuật ở cấp độ xây dựng cụ thể cho TPHCM thông qua hình ảnh vệ tinh. Sau quá trình đánh giá, 150 mái nhà sẽ được nghiên cứu để phát triển điện mặt trời.
Thống kê tại 5 thành phố lớn của Việt Nam, hiện có khoảng 1.500 tòa nhà có diện tích trên 2.500m²/tòa nhà. Riêng tại TPHCM, trung bình mỗi năm xây dựng mới khoảng 3,5 triệu m² các công trình. Do đó, nhu cầu về năng lượng trong các tòa nhà cao tầng là rất lớn. Việc phát triển công trình xanh (CTX) nhằm giảm thiểu áp lực nguồn năng lượng sử dụng là cần thiết, nhưng tại nước ta vẫn đang rất hạn chế.
Phân tích hiện trạng xây dựng công trình lớn tại TPHCM cho thấy, nhiều người thiết kế và chủ đầu tư không chấp hành theo yêu cầu của Quy chuẩn tiết kiệm năng lượng do Bộ Xây dựng ban hành. Sở xây dựng các địa phương cũng không thường xuyên kiểm tra các yêu cầu của quy chuẩn trong bản vẽ, công trình sau khi xây dựng.
Bà Đỗ Ngọc Diệp, chuyên gia CTX, Công ty Tài chính quốc tế (IFC), nhìn nhận mặc dù đã có công cụ đánh giá nhưng thời điểm phát triển CTX còn chưa xuất hiện. Nguyên nhân nằm ở các rào cản về kỹ thuật, thiết bị, giá thành và nhận thức.
Hiện nay, Việt Nam đã có Quy chuẩn tiết kiệm năng lượng 09:2017/BXD (QCVN 09: 2017/BXD), là quy chuẩn hiện hành duy nhất về tiết kiệm năng lượng công trình. Tuy vậy, việc thực thi quy chuẩn này còn rất hạn chế, thậm chí không được biết tới trong giới thiết kế, từ kiến trúc sư cho tới kỹ sư. Đây là điểm hết sức đáng tiếc.
Theo dự báo tới năm 2030, ngành xây dựng có tiềm năng rất lớn trong việc cắt giảm phát thải khí nhà kính với mức chi phí nhỏ. Đơn cử, đối với phân khúc chung cư, nếu phát triển theo xu hướng xanh, chi phí xây dựng có thể tăng 1% nhưng chi phí vận hành sẽ giảm được từ 20% – 27% do tiết kiệm được năng lượng và thời gian hoàn vốn cũng chỉ từ 2-5 năm.
Để kêu gọi tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển CTX, hiện TPHCM đã ban hành quyết định về việc phê duyệt danh sách các nội dung thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các công trình trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2020.
Ông Phạm Hữu Tạo, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng công trình, Sở Xây dựng TPHCM, cho biết thành phố đã đặt mục tiêu 100% công trình thuộc đối tượng áp dụng QCVN 09: 2017/BXD sẽ phải tuân thủ quy chuẩn này, kết hợp áp dụng cơ chế ưu đãi cho các CTX, công trình tiết kiệm năng lượng. Mặt khác, tập trung nâng cao năng lực của các đơn vị tư vấn và cán bộ quản lý nhà nước về CTX. Đồng thời, thành phố cũng sẽ tăng cường tối đa sự hợp tác với các tổ chức quốc tế để triển khai, thực thi áp dụng QCVN 09:2017/BXD được tốt hơn.
Riêng Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh, sẽ tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ đầu tư, kiến trúc sư. Tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối các doanh nghiệp để trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến trong việc phát triển CTX.
Hiện Sở Công thương TPHCM đang hợp tác với Ngân hàng Thế giới triển khai chương trình điện mặt trời trên mái nhà. Chương trình đang trong giai đoạn đánh giá tiềm năng kỹ thuật ở cấp độ xây dựng cụ thể cho TPHCM thông qua hình ảnh vệ tinh. Sau quá trình đánh giá, 150 mái nhà sẽ được nghiên cứu để phát triển điện mặt trời.
Theo: SGGP