Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết, theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020, công suất điện gió sẽ đạt 800MW và đến năm 2030 đạt 6.000MW.
Thời gian gần đây, cùng với tỉnh Ninh Thuận và nhiều địa phương ở miền Trung, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng đang ồ ạt triển khai khá nhiều dự án điện gió với quy mô khá lớn.
Đơn cử, UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định chấp thuận cho 3 nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư gần 3.370 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2020.
Trước đó, tỉnh Trà Vinh cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án điện gió với tổng công suất thiết kế 192MW, thực hiện trên địa bàn xã Trường Long Hòa (thị xã Duyên Hải) và xã Đông Hải (huyện Duyên Hải).
Tương tự, dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu có công suất lớn nhất trong số 4 dự án điện gió đang hoạt động tại Việt Nam cũng được triển khai. Tỉnh Sóc Trăng cũng đang triển khai dự án điện gió của Tập đoàn Phú Cường nằm ở khu vực bãi bồi ven biển của tỉnh, có tổng quy mô công suất khoảng 800MW, tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng năng lượng gió lớn, ước tính đạt trên 500.000MW, hơn gấp 6 lần tổng công suất ước tính của toàn ngành điện vào năm 2020.
Tuy nhiên, để thu hút nhà đầu tư nhiều hơn nữa, Việt Nam cần thành lập Hiệp hội Điện gió quốc gia có năng lực và ngành điện gió trong nước đủ mạnh để đảm bảo có thể thu hút được lợi ích tối đa từ nguồn tài nguyên gió dồi dào.
Để các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, triển khai các dự án điện gió, Việt Nam tiếp tục chuẩn hóa hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện gió, được các tổ chức tài chính quốc tế chấp thuận; quy trình phê duyệt dự án cần được đơn giản hóa, rõ ràng, minh bạch và có thời hạn cụ thể, nhằm giảm tính bất trắc và tăng niềm tin của thị trường cũng như nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ sản xuất, sử dụng máy phát điện gió cỡ nhỏ phục vụ gia đình. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng chế tạo các máy phát điện gió loại nhỏ sử dụng cho gia đình.
Những sản phẩm này không yêu cầu cao về công nghệ, doanh nghiệp có thể nâng tỷ lệ nội địa hóa lên đến 80%, để giảm giá thành sản xuất, lắp đặt.
Theo: SGGP