Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Illinois và Đại học Maryland của Mỹ đã phát hiện thêm lợi ích của các trang trại gió và năng lượng Mặt Trời.
Lâu nay, việc sử dụng năng lượng Mặt Trời và gió được coi là phương pháp hữu hiệu giúp con người giảm sự lệ thuộc vào các loại nhiên liệu hóa thạch – vốn gây ra những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và môi trường.
Tuy nhiên, mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Illinois và Đại học Maryland của Mỹ còn phát hiện thêm lợi ích của các trang trại gió và năng lượng Mặt Trời đối với tình trạng biến đổi khí hậu.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Science ngày 6/9, các nhà khoa học đã chỉ ra việc lắp đặt các trang trại gió và năng lượng Mặt Trời tại sa mạc Sahara ở châu Phi không chỉ làm chậm quá trình ấm lên của Trái Đất mà còn giúp tăng lượng mưa dù nhỏ song lại có nhiều lợi ích đối với khu vực khô nóng của châu Phi này.
Các nhà khoa học đã sử dụng mô hình máy tính để theo dõi tác động của việc lắp đặt các tấm năng lượng Mặt Trời và 3 triệu turbine gió trên 20% diện tích của sa mạc lớn nhất thế giới này.
Theo các nhà nghiên cứu, với diện tích rộng hơn 9 triệu km2, các trang trại gió và năng lượng Mặt Trời này sẽ sản sinh ra lượng điện đủ để cung cấp cho toàn thế giới.
Không chỉ vậy, trang trại này còn giúp tăng lượng mưa trung bình trên khắp Sahara từ 0,24 mm/ngày lên 0,59 mm/ngày. Tại khu vực sa mạc Sahel – nơi các trang trại gió được lắp đặt, lượng mưa trung bình cũng tăng 1,12 mm/ngày.
Dù trên thực tế phần lớn khu vực Sahara vẫn chịu cảnh cực kỳ khô nóng, song việc tăng lượng mưa ở khu vực miền Nam Sahara đã giúp cây cối phát triển hơn, giúp gia súc có thêm nhiều thức ăn hơn.
Các nhà nghiên cứu kết luận lượng mưa tăng giúp cây cối phát triển hơn, cùng với năng lượng sạch, đã giúp thúc đẩy nông nghiệp, kinh tế và mang lại thịnh vượng xã hội cho khu vực Sahara, Sahel, Trung Đông, cũng như các khu vực gần đó.