Phát triển năng lượng tái tạo cấp điện cho nuôi tôm

Trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt cấp điện cho các khu vực nuôi tôm ở miền Nam và đồng bằng sông Cửu Long, việc xây dựng các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng với quy mô phù hợp sẽ góp phần đáp ứng đủ nhu cầu cấp điện sản xuất, góp phần thúc đẩy và phát triển ngành nuôi tôm của khu vực.

 

 

Hiện nay, đối với nuôi tôm công nghiệp, hệ thống lưới điện chưa được đầu tư nhiều, hiện chỉ có một số vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung mới được đầu tư lưới điện 3 pha và nâng cấp trạm biến áp để vận hành được máy móc thiết bị như vùng quy hoạch nuôi tôm trọng điểm tại các tỉnh: Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh… một số vùng có diện tích nuôi tôm công nghiệp phân tán thì chưa được đầu tư, chi phí cho sản xuất quá cao do phải chạy máy bằng nhiên liệu xăng dầu.Việc nuôi tôm theo hình thức bán công nghiệp của các hộ dân chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, sử dụng nguồn điện sinh hoạt, dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện, chất lượng điện áp không đảm bảo.

Mặc dù ngành điện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng, song vẫn chưa đáp ứng đủ, do nhu cầu đầu tư, cải tạo và nâng cấp hệ thống lưới điện phục vụ cho nuôi trồng và sản xuất mặt hàng này thời gian tới vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, việc huy động vốn lại gặp nhiều khó khăn.

Do đó, cần có những nguồn vốn và giải pháp để đảm bảo cung cấp điện phục vụ nuôi tôm, trong đó ưu tiên các khu vực cấp bách, có tiềm năng phát triển mạnh. Trong đó, việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời và gió phù hợp sẽ là một trong những giải pháp khả thi.

Tuy nhiên, để việc cấp điện nuôi tôm đạt hiệu quả cao, chính quyền các địa phương cần có quy hoạch vùng nuôi tôm cũng như vận động nhân dân phát triển nuôi tôm đúng quy hoạch chung, tạo điều kiện cho việc đầu tư các dự án cấp điện nói chung và dự án điện mặt trời nói riêng phục vụ cho sản xuất của người dân.

Báo xã luận