Ở Đức, thuật ngữ “Energiewende”, tức chuyển đổi năng lượng, đã trở nên phổ biến trong các cuộc thảo luận chính sách về năng lượng, diễn đàn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cũng như đối với công chúng nói chung. Mục tiêu chính của chuyển đổi năng lượng là nhằm giảm tiến đến chấm dứt sử dụng điện hạt nhân và chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Quá trình này đã giúp Đức trở thành quốc gia hàng đầu về chuyển đổi năng lượng thành công và có cam kết khí hậu tham vọng nhất, như mục tiêu chấm dứt điện hạt nhân năm 2022, giảm phát thải CO2 ít nhất 40% năm 2020, 80% đến năm 2050, tỷ lệ điện tái tạo trong tổng sơ đồ điện đạt ít nhất 35% năm 2020 và 80% năm 2050 và giảm tỷ lệ tiêu thụ điện năng do áp dụng biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả lên từ 20% năm 2020 đến 50% năm 2050, đặc biệt giảm tới 80% điện tiêu thụ trong các tòa nhà và 50% trong ngành giao thông vận tải vào năm 2050.
Tại thời điểm Đoàn công tác của Liên hiệp Hội Việt Nam làm việc tại Đức đã diễn ra một cuộc biểu tình trên quy mô lớn ở bang Nordrhei Westfahlen với hơn 50.000 người dân tham gia bảo vệ cánh rừng Hambach không bị phá để mở rộng mỏ khai thác than có quy mô lớn nhất Châu Âu. Theo các nhà hoạt động môi trường của Đức thì đây là một trong những sự kiện đánh dấu mốc quan trọng cho chuyển dịch năng lượng ở Đức, tiến tới chấm dứt khai thác than đá cho sản xuất điện. Tương tự như quá trình vận động dẫn đến chấm dứt sử dụng điện hạt nhân, một Ủy ban đặc biệt của Chính phủ đã được thành lập gồm thành viên là các cơ quan của chính phủ, các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp, NGO và đại diện dân chúng để thảo luận về mục tiêu chấm dứt sử dụng than đá ở Đức. Dự kiến cuối năm nay Ủy ban này sẽ phải thảo luận và thống nhất về lộ trình và thời hạn đóng cửa các mỏ than, cơ chế đền bù và chuyển đổi việc làm cho công nhân người lao động trong ngành than. Mặc dù vậy đây không phải là công việc dễ dàng, vì hiện tại ngành công nghiệp khai thác than của Đức vẫn là một ngành công nghiệp mạnh, với hơn 25.000 lao động trong ngành than. Và cũng cần phải lưu ý rằng Đức là quốc gia có trữ lượng than lớn, đứng thứ 2 ở Châu Âu sau CHLB Nga. Theo BP Statistical (2016), trữ lượng xác minh than thế giới được thống kê tại thời điểm cuối năm 2015 vào khoảng 891.531 triệu tấn, trữ lượng than phân bố chủ yếu ở Liên bang Nga 157.010 triệu tấn (chiếm 17,6%), sau đó là Đức 40.548 triệu tấn (chiếm 4,5%).
Theo các tổ chức nghiên cứu về chuyển đổi năng lượng tại Đức, quá trình chuyển đổi năng lượng tại Đức thành công một phần là do chính người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường đại Đức đã tham gia góp phần trong các cuộc thảo luận chính sách của chính phủ, quá trình chuyển đổi và các chính sách kèm theo đã được thảo luận sâu rộng trước khi được đưa ra. Các tổ chức nghiên cứu khoa học và các tổ chức vận động bảo vệ môi trường ở Đức đóng vai trò là nơi tạo ra các diễn đàn thảo luận cho dân chúng tham gia, cung cấp bằng chứng khoa học và thông tin đến công chúng thông qua các hình thức, phương tiện khác nhau như hội thảo, tọa đàm, xuất bản báo cáo, infographic, xây dựng phim tài liệu.
Lịch sử chuyển đổi năng lượng đức được cho là đã manh nha diễn ra từ năm 1968 khi phong trào bảo vệ môi trường trong nhân dân diễn ra mạnh mẽ, trước thực tại ô nhiễm nguồn nước, không khí và khủng hoảng năng lượng tại Đức thời gian đó. Giai đoạn những năm 1973-1975 đã có phong trào phản đối mạnh mẽ điện hạt nhân diễn ra tại Đức và Đảng Xanh cũng được thành lập giai đoạn đầu những năm 1980s. Năm 1986, thảm họa Chernobyl đã đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành năng lượng toàn cầu và ở Đức, đặc biệt là vấn đề chấm dứt sử dụng điện hạt nhân. Đây cũng là năm Bộ Môi trường của nước này ra đời, khởi đầu cho một giai đoạn mới đầu thập niên 90 với nhiều chính sách quan trọng về vấn đề môi trường và năng lượng.
Năm 1991, được cho là năm khởi đầu cho các chính sách của chính phủ Đức nhằm khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, đây cũng là thời điểm vấn đề biến đổi khí hậu được đề cập mạnh mẽ hơn trong các thảo luận về môi trường toàn cầu. Nghị định thư Kyoto 1997 đòi hỏi các quốc gia phát triển phải cắt giảm khí nhà kính và Đức là quốc gia chịu tác động lớn của quyết định này. Năm 2001, lần đầu tiên Chính phủ Đức đạt được đồng thuận về mục tiêu chấm dứt điện hạt nhân đến năm 2022. Tuy nhiên đến năm 2010, Chính phủ Đức đã điều chỉnh kế hoạch này theo hướng trì hoãn việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân. Sự kiện Fukushima 2011 tại Nhật Bản đã giúp Chính phủ của bà Merkel nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc hội với việc một lần nữa quyết tâm thực hiện cam kết chấm dứt điện hạt nhân vào năm 2022.
Luật Năng lượng Tái tạo (EEG) ra đời năm 2000 quy định việc Chính phủ cam kết một mức giá cố định và có hiệu lực 20 năm cho việc mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo hòa lưới (feed-in-tariffs). Chính sách này đã tạo ra sự bùng nổ về đầu tư của người dân và doanh nghiệp Đức cho sản xuất điện tái tạo, đặc biệt là chính sách cam kết mua điện với giá cố định trong thời gian dài nêu trên đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận tín dụng để đầu tư cho sản xuất năng lượng tái tạo. Hiện Đức có hơn 1.500 hợp tác xã điện tái tạo do người dân lập ra và hơn 1,5 triệu nhà sản xuất điện độc lập (theo www.energytransition.de).
Bên cạnh đó, nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ thân thiện môi trường, đặc biệt là công nghệ trong ngành năng lượng tái tạo nên trong hơn 20 năm qua, nhiều phát minh mới đã giúp giảm giá thành của nhiều công nghệ đặc biệt là trong việc sản xuất pin điện mặt trời. Giá tấm pin PV để sản xuất điện mặt trời đã giảm xuống mạnh hơn nữa khi được sản xuất với khối lượng lớn của các nhà sản xuất Trung Quốc. Năm 2014 Luật EEG của Đức đã điều chỉnh giảm mức giá mua điện cố định từ nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời bắt đầu lộ trình chấm dứt mua theo giá cố định từ điện mặt trời mà chuyển sang mua theo hình thức đấu giá. Năm 2016, Luật EEG tiếp tục điều chỉnh theo hướng loại bỏ hoàn toàn chính sách trợ giá mà chuyển sang hình thức Chính phủ mua điện theo hình thức đấu giá.
Tóm lại, Energiewende đã giúp Đức đi tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch và hạt nhân cũng như việc giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu năng lượng (trị giá mỗi năm 80 tỷ EUR), và giảm sự độc quyền trong sản xuất, phân phối điện năng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và tạo ra nhiều “việc làm xanh” hơn.
Thứ hai, các tổ chức nghiên cứu, tổ chức xã hội và bảo vệ môi trường ở Đức có vai trò quan trọng giúp tăng cường sự hiểu biết của công chúng về chính sách của chính phủ, huy động công chúng tham gia và bày tỏ ý kiến của mình về các dự thảo chính sách của Chính phủ, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và tính hiệu lực của chính sách.
Các tổ chức xã hội ở Đức hầu hết được thành lập lâu đời, có hệ thống tổ chức mạnh và hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều cho việc hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật của Chính phủ Đức và EU tạo nên sự đồng thuận và thống nhất giữa chính quyền với người dân, bảo đảm cho các chính sách gắn liền với lợi ích của dân và lợi ích quốc gia, người dân có sự đồng thuận cao với Chính phủ.
Hiên nay quan tâm ưu tiên của các tổ chức xã hội ở Đức là giám sát việc thực thi cam kết khí hậu và mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Chính phủ Đức, EU và các quốc gia khác, chuyển đổi năng lượng toàn cầu, chống biến đổi khí hậu và hợp tác quốc tế giúp các tổ chức xã hội khác ở các nước đang phát triển tham gia tiến trình này.
Các tổ chức xã hội có mối liên hệ rất chặt chẽ với người dân và với các cơ quan thuộc Chính phủ, Quốc hội, chuyển tải, đại diện cho ý kiến của người dân tới Chính phủ và Quốc hội. Họ còn là một kênh giám sát quan trọng và có hiệu lực đối với các cam kết của Chính phủ và việc thực thi các cam kết đó như thế nào. Cụ thể, nhiều tổ chức thực hiện các nghiên cứu, phân tích về các chỉ tiêu cam kết về phát triển bền vững, về công ước khí hậu, sau đó đưa các vấn đề này đến thảo luận công chúng bằng ngôn ngữ dễ hiểu trực quan hơn, giúp người dân quan tâm hơn tới các vấn đề chính sách hiện tại đồng thời tham gia đóng góp ý kiến của mình cho chính phủ thông qua các diễn đàn do các tổ chức xã hội tạo ra.
Thông qua việc liên kết tập hợp các tổ chức có cùng tôn chỉ mục đích, các tổ chức xã hội đã hình thành các mạng lưới, liên minh nhằm phát huy và tận dụng thế mạnh của các thành viên, thực hiện nghiên cứu và vận động chính sách một cách hiệu quả, dựa trên bằng chứng khoa học, đồng thời truyền đạt những thông điệp chủ trương, chính sách của Chính phủ đến dân chúng một cách hiệu quả, dễ tiếp thu và tạo sự đồng thuận trong xã hội trước những vấn đề phức tạp, có tác động sâu rộng tới đời sống nhân dân.
Mỗi trình độ phát triển cần những chính sách hỗ trợ tương ứng. Nền công nghiệp năng lượng tái tạo ở Đức đã trải qua 3 giai đoạn bao gồm giai đoạn 1 là giai đoạn sơ khai hình thành thị trường điện tái tạo, vì vậy chính sách cốt yếu là giúp tạo ra khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư cho năng lượng tái tạo và chính sách về hòa lưới. Giai đoạn 2 tập trung vào việc lập kế hoạch tổng thể cho thiết kế mạng lưới điện nhằm thỏa mãn các nguồn cung khác nhau về điện. và giai đoạn 3 là khi lượng năng lượng tái tạo chiếm trên 25% tổng sơ đồ điện quốc gia, thì cần phải quan tâm đến tính thiếu ổn định của nhu cầu điện, cần có chính sách quản lý cầu, dự trữ nguồn điện và cân bằng lưới điện theo thời gian thực. Việc biết được các giai đoạn phát triển của quá trình chuyển đổi như trên là rất có ích trong việc xác định ưu tiên chính sách cần thực hiện cho phù hợp với thực tế phát triển, đồng thời phải luôn lưu ý rằng trong khi giải quyết các bài toán trước mắt thì luôn có tầm nhìn xa hơn để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Một trong những yếu tố thành công của quá trình chuyển đổi năng lượng tại Đức đó là việc Chính phủ đã tạo ra thị trường đầu tư kinh doanh năng lượng tái tạo lành mạnh, ở đó nhà đầu tư (bao gồm cả công ty và cá nhân) có được sự yên tâm bởi chính sách ổn định, cam kết mua điện lâu dài. Và quan trọng hơn, tiến trình ấy do người dân tham gia, thảo luận, thực hiện và có được lợi ích kinh tế từ chính sách chuyển đổi năng lượng tái tạo.
Việt Nam có nhiều lợi thế về năng lượng tái tạo bởi điều kiện thiên nhiên ưu đãi nhưng cũng đang gặp phải không ít thách thức. Về năng lượng, thách thức lớn đó là nhu cầu về năng lượng ngày càng cao cùng với quá trình phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiêu hao điện năng ngày càng lớn, việc ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và hiệu quả còn thấp. Về nhân lực, bất kỳ quá trình chuyển đổi nào cũng đòi hỏi sự thích ứng và chuyển đổi theo của lực lượng lao động, trình độ và tay nghề cao, mà đây không phải là việc có thể thực hiện một sớm một chiều. Thiếu nhân lực có trình độ trong các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo là một trong những thách thức lớn nhất Việt Nam đã và sẽ gặp phải trong quá trình này.
Chính sách về chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và chống biến đổi khí hậu đều là những vấn đề quan trọng có liên hệ mật thiết với nhau. Đồng thời đây cũng là những vấn đề có tính kỹ thuật, chuyên môn cao. Nếu không được giải thích, thảo luận một cách rộng rãi trong công chúng thì chính sách khó đi vào thực thi triển khai. Các tổ chức nghiên cứu khoa học, các tổ chức xã hội có năng lực làm được việc trên và cần được tạo điều kiện để thực hiện các hoạt động đó. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần ghi nhận và phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức khoa học, tổ chức xã hội trong việc giúp Đảng và Nhà nước truyền thông, giáo dục công chúng về các chủ trương, đường lối quan trọng của Đảng và Nhà nước, về các chính sách cốt lõi để phát triển đất nước.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ khắp toàn cầu. Để tận dụng được luồng đầu tư tiếp theo này các tổ chức trong nước cần có cách tiếp cận sáng tạo hơn và được tạo điều kiện để tham gia các diễn đàn quốc tế quan trọng, phản ánh tiếng nói, nhu cầu của người dân đối với các chính sách toàn cầu, góp phần giúp Chính phủ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, xây dựng hình ảnh Việt Nam chủ động hội nhập và cởi mở. Đây là thế mạnh của VUSTA và các tổ chức thuộc VUSTA, góp phần thực hiện thành công công tác ngoại giao và đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.