► QA là gì?
QA (Quality Assurance) là nhân viên đảm bảo chất lượng trong các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất – đảm nhận nhiệm vụ xây dựng hệ thống, quy trình sản xuất, quản lý chất lượng và giám sát, đo lường việc thực hiện các tiêu chuẩn chất lượng đề ra.
► QC là gì?
QC (Quality Control) là nhân viên kiểm soát chất lượng trong các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất (hay còn gọi với tên khác là nhân viên KCS) – đảm nhận nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra từng công đoạn trong quy trình sản xuất để đảm bảo thành phẩm đạt chuẩn chất lượng theo yêu cầu. Nhân viên QC thường được chia thành 3 vị trí: nhân viên kiểm soát chất lượng đầu vào (PQC), nhân viên kiểm soát chất lượng quy trình sản xuất (PQC), nhân viên kiểm soát chất lượng đầu ra (OQC).
► Phân biệt QA và QC
Có khá nhiều người nhầm lẫn về công việc của nhân viên QA và QC do chưa hiểu rõ được bản chất công việc của 2 vị trí này. Từ định nghĩa QA là gì? QC là gì? mà Tuyencongnhan.vn đã chia sẻ bên trên, chúng ta có thể hiểu tính chất công việc của QA – QC đều là quản lý chất lượng, tuy nhiên, nhân viên QA chịu trách nhiệm bao quát toàn bộ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, còn nhân viên QC thì trực tiếp kiểm tra chất lượng và hoàn thiện sản phẩm.
– Công việc chính của một nhân viên QA:
Nhân viên QA trong các nhà máy – doanh nghiệp sản xuất đảm nhận các công việc sau đây:
→ Thiết lập, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng (tiêu chuẩn ASME, tiêu chuẩn ISO…) cho doanh nghiệp, bao gồm: sổ tay chất lượng, quy trình hệ thống chất lượng, các quy trình – hướng dẫn công việc cụ thể, các biểu mẫu quản lý chất lượng.
→ Đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp hàng năm.
→ Cập nhật các tiêu chuẩn chất lượng mới và làm mới hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp theo yêu cầu của thị trường.
→ Phối hợp với QC triển khai – giám sát việc áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng.
→ Phối hợp với bộ phận sản xuất, giới thiệu sản phẩm – tiêu chuẩn chất lượng khi có khách hàng đánh giá doanh nghiệp.
→ Tham gia đề xuất các giải pháp cải tiến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
→ Quản lý hồ sơ và các chứng nhận theo quy trình quy định.
→ Thực hiện việc đánh giá các nhà cung cấp, nhà thầu phụ của doanh nghiệp…
– Công việc chính của một nhân viên QC:
Vì nhân viên QC trong các nhà máy – doanh nghiệp sản xuất thường được phân thành IQC, PQC, OQC nên mỗi vị trí sẽ đảm nhận một khâu trong quy trình sản xuất sản phẩm:
Nhân viên IQC | • Kiểm tra chất lượng vật tư, nguyên liệu đầu vào; theo dõi tình hình sử dụng và chất lượng nguyên liệu – vật tư trong quá trình sản xuất; làm việc với nhà cung cấp để xử lý các vấn đề, sự cố phát sinh – đánh giá nhà cung cấp; tham gia phát triển sản phẩm mới, sản xuất hàng mẫu… |
Nhân viên PQC | • Phối hợp với QA triển khai quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm; trực tiếp kiểm tra các công đoạn làm việc của công nhân – chủ động phát hiện lỗi và yêu cầu công nhân sửa chữa; tham gia giải quyết các yêu cầu của khách hàng – các khiếu nại về chất lượng sản phẩm; tham gia phát triển sản phẩm mới – sản xuất hàng mẫu… |
Nhân viên OQC | • Tham gia xây dựng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng thành phẩm; trực tiếp kiểm tra chất lượng thành phẩm – xác nhận “Pass” với sản phẩm đạt yêu cầu; phân loại sản phẩm lỗi, sai sót kỹ thuật và chuyển yêu cầu sửa chữa cho PQC; xử lý các yêu cầu – khiếu nại của khách hàng về chất lượng sản phẩm… |
► Kiến thức nhân viên QA – QC cần có
Với nhân viên QA, vị trí này yêu cầu phải được đào tạo bài bản về nghề QA, nắm vững các kiến thức nền tảng về thiết lập – xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và am hiểu về các sản phẩm mà doanh nghiệp đang kinh doanh.
Công việc nhân viên QC yêu cầu vị trí này cần phải có kiến thức chuyên sâu về sản phẩm của doanh nghiệp, hiểu rõ quy trình sản xuất sản phẩm – những tiêu chuẩn chất lượng phải đạt được… Với ngành may, nhân viên PQC cần phải là một người may giỏi, hiểu rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định… để kiểm soát tốt quy trình may của công nhân.
Bên cạnh việc triển khai công việc hàng ngày, nhân viên QA – QC cần phải chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong ngành, cập nhật những kiến thức liên quan để nâng cao trình độ, từ đó giúp đem lại hiệu quả công việc tốt hơn.
► QA – QC cần có kỹ năng gì?
Để làm tốt công việc của một nhân viên QA, vị trí này yêu cầu người đảm nhận cần phải có:
– Kỹ năng giao tiếp tốt: những thông tin liên quan đến “tiêu chuẩn quản lý chất lượng” thường được mặc định là trừu tượng, khó hiểu – cho nên nhân viên QA cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt để truyền đạt, diễn giải một cách dễ hiểu để các bộ phận liên quan triển khai áp dụng có hiệu quả…
– Kỹ năng xử lý vấn đề: trong quá trình triển khai áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, đôi khi sẽ có nhiều vấn đề, sự cố phát sinh nên nhân viên QA cần phải có kỹ năng xử lý vấn đề nhanh chóng để đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp…
– Bên cạnh đó, một nhân viên QA giỏi còn phải có tính tỉ mỉ, cẩn thận để đề ra các tiêu chuẩn quản lý chất lượng chuẩn, không sai sót.
Với nhân viên QC, vị trí này yêu cầu người đảm nhận cần phải có:
– Kỹ năng giám sát: để nhanh chóng phát hiện những sai sót, lỗi kỹ thuật trong quy trình kiểm soát được phân công.
– Kỹ năng quản lý công nhân: với nhân viên PQC, vị trí này cần phải có kỹ năng quản lý công nhân để quản lý năng suất làm việc của người lao động, điều phối nhân sự hợp lý để đảm bảo tiến độ, chất lượng sản phẩm…
– Kỹ năng xử lý sự cố: trong quá trình sản xuất sản phẩm, sự cố là điều khó tránh khỏi, do đó mà nhân viên QC cần phải có kỹ năng này để nhanh chóng đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề nhanh chóng, hiệu quả…
Bên cạnh các kỹ năng trên, nhân viên QA – QC làm việc cho các doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp có đối tác nước ngoài thì cần phải có kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ tốt (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật) để dễ dàng trao đổi, làm việc với khách hàng.
► Mức lương của QA – QC hiện nay và khả năng thăng tiến
Theo ghi nhận của Tuyencongnhan.vn, mức lương nhân viên QA – QC hiện nay dao động trong khoảng 6 – 10 triệu đồng/ tháng, tùy thuộc vào năng lực ứng viên và quy mô doanh nghiệp làm việc. Ngoài lương cơ bản, nhân viên đảm nhận các vị trí này còn được hưởng đầy đủ các chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp, thưởng sáng kiến, thưởng hiệu quả công việc… Khi đã trở thành một nhân viên QA – QC giỏi, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để thăng tiến lên vị trí cao hơn: trưởng bộ phận QA – QC. Một trưởng bộ phận QA – QC có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, làm việc tốt hoàn toàn có thể được đề bạt làm Quản đốc nhà máy…