Cơ quan Vũ trụ châu Âu sẽ kêu gọi các nước thành viên cấp kinh phí cho chương trình điện mặt trời trong vũ trụ tại một cuộc họp quan trọng cuối năm nay.
Thiết kế của vệ tinh truyền năng lượng mặt trời từ không gian. Ảnh: ESA
Chương trình Solaris sẽ khám phá khả năng sản xuất điện mặt trời trong vũ trụ (SBSP) để cung cấp năng lượng sạch và góp phần giảm lượng khí thải carbon. Chương trình sẽ hợp tác với các ngành công nghiệp để đánh giá tính khả thi về mặt kỹ thuật, lợi ích, phương án tiến hành, cơ hội thương mại và nguy cơ đi kèm với công nghệ mới, Space hôm 20/8 đưa tin.
SBSP bao gồm thu thập năng lượng mặt trời bằng tấm pin quang năng khổng lồ trên quỹ đạo địa tĩnh, quỹ đạo ở độ cao 36.000 km, nơi các vệ tinh trông như bay lơ lửng khí trên một điểm cố định. Không bị cản trở bởi khí quyển Trái Đất, nhà máy điện mặt trời trong không gian sẽ sản xuất điện hiệu quả hơn nhà máy trên mặt đất và truyền năng lượng về Trái Đất để biến đổi thành điện.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) mô tả chương trình Solaris như một giải pháp đối với khủng hoảng biến đổi khí hậu hiện nay và nguồn năng lượng sạch, chi phí phải chăng, liên tục, dồi dào và an toàn. ESA sẽ phát triển SBSP vào năm 2025.
“Năng lượng mặt trời trong vũ trụ là một bước quan trọng tiến tới trung hòa carbon và độc lập về năng lượng của châu Âu”, Josef Aschbacher, tổng giám đốc ESA, chia sẻ qua mạng Twitter hôm 16/8. Hai nghiên cứu độc lập gần đây khuyến khích đầu tư để thúc đẩy công nghệ cần thiết để giải quyết khủng hoảng năng lượng”.
Đề án Solaris sẽ được đệ trình tại Hội đồng Thủ tướng vào tháng 11 nhưng ESA chưa tiết lộ thông tin về kinh phí. Mục tiêu cuối cùng của SBSP là giúp châu Âu đạt mục tiêu không thải carbon vào năm 2050. Ý tưởng về SBSP xuất hiện lần đầu tiên vào thập niên 1960 và thu hút sự quan tâm lớn từ nhiều nước. Trung Quốc đang lên kế hoạch thử nghiệm trên quỹ đạo trước khi kết thúc thập kỷ như một bước đệm cho hệ thống công suất hàng gigawatt vào giữa thế kỷ 21.