Ồ ạt đầu tư vào điện mặt trời để hưởng ưu đãi

Một năm nay, các nhà đầu tư đua rót vốn cho điện mặt trời nhưng theo nhiều chuyên gia năng lượng, đây chưa phải tin tốt cho Việt Nam.

Quyết định 11/2017 của Thủ tướng về tăng giá điện mặt trời lên 9,35 cent (khoảng 2.086 đồng) một kWh có hiệu lực từ 1/6/2017 đã mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng này. Tuy nhiên, quyết định này chỉ có hiệu lực đến 30/6/2019. Tức là, nhiều khả năng sau 30/6, giá cho điện mặt trời sẽ giảm dần cùng sự yêu cầu về cập nhật công nghệ cao hơn.

Do đó, kể từ đây hình thành một cuộc đua rầm rộ đầu tư cho điện mặt trời, các doanh nghiệp thi nhau công bố dự án để kịp hưởng chính sách ưu đãi giá điện cao.

Dự án mới nhất vừa đưa vào vận hành cuối tuần trước là nhà máy Điện mặt trời Krông Pa (Gia Lai) công suất 49 MW do Tập đoàn Thành Thành Công đầu tư. Tập đoàn này đã thi công nhà máy trong 9 tháng và đây mới chỉ là một trong 20 dự án điện mặt trời họ rót vốn.

Thành Thành Công cũng không phải cái tên duy nhất trong cuộc đổ bộ vốn vào năng lượng tái tạo. Nhiều dự án điện mặt trời đầy tham vọng như Tập đoàn Xuân Cầu đầu tư khoảng 2.000 MW ở Tây Ninh, Công ty Xuân Thiện đầu tư các dự án điện mặt trời tại tỉnh Đắk Lắk với công suất khoảng 3.000 MW… lần lượt được công bố ngay sau ngày quyết định của Thủ tướng có hiệu lực.

Nhờ sự tham gia của khu vực tư nhân, thị trường điện mặt trời gia tăng mạnh, số lượng, quy mô các dự án đã vượt qua quy hoạch ban đầu.

Dữ liệu đến hết tháng 9/2018 của Bộ Công Thương cho biết, 121 dự án được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW. Trong số này 25 dự án đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và 70 dự án thẩm định thiết kế cơ sở. Ngoài ra, còn 221 dự án đang xếp hàng chờ phê duyệt, công suất đăng ký hơn 13.000 MW.

Như vậy, tổng công suất đăng ký đầu tư loại hình này đã lên tới 26.000 MW, chiếm khoảng 60% tổng công suất các nguồn điện cả nước (hơn 47.000 MW). Con số này cũng vượt xa Quy hoạch điện 7 điều chỉnh trong đó định hướng tới 2020 công suất điện mặt trời 850 MW và tăng lên 4.000 MW sau đó 5 năm.

“Đang có sự bùng nổ đầu tư của các dự án điện mặt trời, nhưng không tốt chút nào”, ông Toby Couture, chuyên gia quốc tế đến từ Đức nhận xét như vậy. Chuyên gia năng lượng tái tạo đến từ Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (Giz) cho rằng, cơ quan có thẩm quyền nên đưa ra khuôn khổ dự báo mang tính cân bằng, thay vì để thị trường phát triển quá nóng và sau đó bùng nổ.

Nhóm tư vấn Giz đưa ra một tính toán về giá FiT (Feed in Tariffs – giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp hoặc bán cho lưới điện) phân chia theo vùng bức xạ nhiệt. Chẳng hạn, một dự án điện mặt trời quy mô 50 MW của Việt Nam sẽ ở mức hơn 7 cent một kWh ở vùng có bức xạ nhiệt lớn nhất như Bình Thuận, Ninh Thuận. Còn tại các vùng có bức xạ thấp, giá FiT khoảng 8,7- 9,45 cent một kWh. Mức giá ở vùng có bức xạ nhiệt lớn cũng sẽ giảm về quanh 5,78-6,28 cent một kWh vào tháng 7/2020 và xuống còn khoảng 5,5 cent sau đó một năm. Đây cũng được coi là mức giá tương lai tốt nhất của điện mặt trời.

Đã có tới hơn 80 kịch bản giá điện mặt trời được cơ quan quản lý đặt hàng các nhóm chuyên gia tư vấn. “Bộ đang xem xét sửa lại quy định vận hành, phân tích điện… để điều chỉnh giá năng lượng này trong tương lai”, một đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Đến hết tháng 9 có 332 dự án điện mặt trời đã và đang chờ phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch điện.
Ngoài chạy đua có được dự án trước tháng 6/2019 để được hưởng giá tốt, sự bùng nổ đầu tư vào điện mặt trời cũng đang tạo ra lo ngại về nguy cơ quá tải lưới điện truyền tải khi số dự án này đưa vào vận hành.

Ông Vũ Ngọc Đức – Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, Quyết định 11 đem đến bức tranh mới mẻ về điện mặt trời, song còn nhiều tồn tại khi các dự án tập trung chủ yếu tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk… dẫn tới quá tải hệ thống điện hiện có. Bởi không phải cứ nhìn thấy đường dây truyền tải điện là có thể đấu nối dự án điện mặt trời, bởi điều này phụ thuộc rất lớn vào công suất hiện hữu của đường truyền tải.

Ông Đinh Quang Tri – Quyền Tổng giám đốc EVN thừa nhận, mức giá 9,5 đồng một kWh của điện mặt trời hiện nay vẫn rẻ hơn giá điện chạy dầu, nhưng EVN lại gặp thách thức lớn về vấn đề truyền tải, quá tải lưới điện. Ông phân tích, hầu hết lưới phân phối điện 110 kV và 220 kV trước đây được thiết kế dựa vào nhu cầu của địa phương. Khu vực miền Trung dịch vụ ít nên hệ thống truyền tải yếu, trong khi đây sẽ lại là khu vực tập trung chủ yếu của các dự án năng lượng tái tạo.

“Nếu hàng nghìn MW điện tái tạo cùng chạy thì không thể nào tải được”, ông Tri nói, và cho biết, EVN đã báo cáo Chính phủ bổ sung quy hoạch, cho phép làm thêm các đường dây 110 kV và 220 kV. Nhưng thủ tục bổ sung quy hoạch, giải phóng mặt bằng… kéo dài, nên lưới điện không thể làm nhanh để kịp tải các nhà máy điện mặt trời.

“Đây là thách thức rất lớn với ngành điện. Không mua điện của các nhà máy đã đầu tư thì thiếu điện, nhưng sau khi ký hợp đồng mua bán điện nhà đầu tư làm nhanh quá thì hệ thống cũng không tải được”, ông Tri nêu lo ngại.

Giải pháp tránh quá tải lưới điện truyền tải, theo ông Tri, Chính phủ nên đẩy mạnh điện mặt trời áp mái, phù hợp với lưới điện hạ thế, không phải đầu tư thêm lưới truyền tải.

Chia sẻ với báo giới, Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Bộ này đang chỉ đạo làm lại quy hoạch phát triển điện địa phương và quốc gia; giao lại cho các đơn vị phát triển lưới tháo gỡ những điểm nghẽn hạ tầng lưới điện tại khu vực với mục đích tạo điều kiện cho các dự án được cấp phép đấu nối.

Trong khi đó, theo nguồn tin của VnExpress, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo vừa có báo cáo Bộ Công Thương, đề xuất xem xét chủ trương, cơ chế giao chủ đầu tư các dự án xây dựng lưới điện truyền tải trước nhằm giải toả công suất các nhà máy, sau khi xây dựng xong sẽ bàn giao lại cho ngành điện vận hành.

Báo đấu thầu